Sản lượng vải thiều Bắc Giang cuối vụ còn khoảng 550 tấn
Thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 164.000 tấn vải thiều.
Trong đó, huyện Lục Ngạn 93.600 tấn, Lục Nam hơn 33.000 tấn, Tân Yên hơn 16.000 tấn, Lạng Giang hơn 6.000 tấn, Yên Thế hơn 7.900 tấn, Sơn Động hơn 4.000 tấn…
Tại các huyện gồm Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam, Sơn Động, nông dân trên địa bàn đã thu hoạch xong vải thiều. Duy nhất huyện Lục Ngạn dự kiến còn khoảng 550 tấn, tập trung ở xã Hộ Đáp và Tân Sơn.
Lượng vải thiều này vẫn đang được các thương nhân Trung Quốc thu mua và tiêu thụ thuận lợi ở cả thị trường nội địa; giá bán thời điểm này là 38.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn so với một tuần trước từ 7.000 - 10.000 đồng/kg.
Năm nay, sản lượng vải thiều cả vụ ước đạt gần 165.000 tấn, cao hơn so với dự kiến ban đầu khoảng 5.000 tấn. Dự kiến trong khoảng 2-3 ngày nữa các chủ vườn sẽ thu hoạch hết và kết thúc vụ vải thiều 2020.
Trước đó, thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn cho biết, tính đến ngày 2/7 trên địa huyện có các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ… và người dân trên trong huyện đã thu mua gần 3.000 tấn vải thiều để chế biến cung cấp ra thị trường trong, ngoài nước.
Trong đó, vải chế biến ép nước đóng lon, tách cùi, chè vải, kem vải… hơn 650 tấn; vải sấy khô 2.150 tấn, tăng 30% so với năm ngoái. Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính đối với sản phẩm vải sấy khô, giá bán dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco cho biết, hiện đơn vị đã chế biến được gần 400 tấn vải thiều thành các sản phẩm: Cùi vải thiều đóng hộp, cùi vải đông và vải thiều nguyên quả cắt cuống cấp đông sang Hàn Quốc, Đức, Pháp và một phần nhỏ bán tại thị trường nội địa.
Dự kiến cả vụ này, đơn vị sẽ tiêu thụ khoảng 700 tấn, ước tổng giá trị vải chế biến của công ty khoảng 600.000 USD, cao hơn nhiều lần so với vải bán trong nước.
Việc doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã… thu mua chế biến quả vải thiều giúp tăng giá trị nông sản; kéo dài thời gian sử dụng và giảm áp lực tiêu thụ quả vải tươi. Đây chính là một trong những biện pháp tiêu thụ thuận lợi cần được nhân rộng hơn nữa trong những vụ tới, theo báo Bắc Giang.