|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản lượng tôm Ấn Độ niên vụ 2019 - 2020 dự báo đạt kỉ lục

10:16 | 10/02/2020
Chia sẻ
Theo tờ The Economic Times, sản lượng tôm Ấn Độ có khả năng đạt kỉ lục 900.000 tấn trong niên vụ 2019 - 2020, trái với dự báo trước đó về sự sụt giảm sản lượng.
Sản lượng tôm FY20 có thể là một kỷ lục - Ảnh 1.

Sản lượng tôm Ấn Độ niên vụ 2019 - 2020 dự báo đạt kỉ lục. Ảnh minh họa

"Sản lượng tôm đã tăng 7,2% so với năm 2018 lên 804.000 tấn trong năm 2019 và có khả năng đạt tới 900.000 tấn vào cuối niên vụ hiện tại", theo ông Ravi Kumar Yellanki, chủ tịch Hiệp hội các chuyên gia nuôi trồng thủy sản (SAP).

Nhìn vào giá cổ phiếu thấp, giá tôm kém và dịch bệnh trong nửa đầu của niên vụ 2019 - 2020, ngành tôm đã dự đoán sự sụt giảm 10 - 20% trong sản xuất.

Sau tháng 7/2019, Ấn Độ đã xuất khẩu một khối lượng tôm lớn, ông Yellanki phát biểu tại cuộc họp hai năm một lần - Aqua India 2020 - được tổ chức tại Kochi vào cuối tháng 1.

Ông cho biết xuất khẩu tôm Ấn Độ có thể tăng 9% so với cùng kì niên vụ trước lên 668.710 tấn trong năm 2019 - 2020.

Ấn Độ và Ecuador đang tích cực thúc đẩy xuất khẩu tôm. Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu lớn thứ hai, chiếm 25% sản lượng tôm xuất khẩu của Ấn Độ, sau Mỹ (42%).

Mặc dù các bệnh như EHP, phân trắng và WSSV tiếp tục gây khó khăn cho các khu vực nuôi tôm, mật độ thấp hơn và giá cả tốt hơn trong nửa cuối năm 2019 đã giúp tăng năng suất, ông Yellanki nhận định.

Bang Andhra Pradesh, khu vực chiếm 71% sản lượng tôm Ấn Độ, là khu vực sản xuất tôm lớn nhất nước này.

Những khu vực khác là Tây Bengal, Odisha, Gujarat và Tamil Nadu lần lượt chiếm tỉ trọng 10%; 9%; 5,5% và 2,7%.

Năm 2020, sự tăng trưởng trong sản xuất tôm toàn cầu sẽ đến từ Trung Quốc và Mỹ.

Trung Quốc đang tiếp cận các nhà cung cấp khác ngoài Ecuador do sản xuất trong nước thiếu hụt.

Ông John Sackton, người sáng lập Seafood Datasearch cho biết: "Việc mở rộng phân phối tôm đông lạnh đến các thành phố vừa và nhỏ, phương thức giao hàng đa dạng và mua sắm trực tuyến hoặc tại siêu thị ngày càng được ưa chuộng sẽ giúp sản xuất tôm tăng trưởng liên tục".

Ông cũng lưu ý nếu virus corona hoặc suy thoái kinh tế ở Trung Quốc tác động xấu tới nhu cầu của người mua, nguồn cung tôm toàn cầu sẽ tăng đáng kể.

Ngọc Ánh