|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản lượng thủy sản toàn cầu dự kiến giảm nhẹ trong năm 2016

14:45 | 22/12/2016
Chia sẻ
Năm nay, sản lượng thủy sản toàn cầu dự kiến sẽ giảm nhẹ, chủ yếu là do sản lượng khai thác một số loài chính thấp như cá minh thái Alaska và cá cơm.

Nhờ thu nhập cao và đô thị hóa, tiêu thụ thủy sản toàn cầu đang phát triển với tốc độ nhanh hơn so với tốc độ tăng dân số toàn cầu, nghĩa là tiêu thụ bình quân tăng trung bình khoảng 1%/năm. Năm 2016, dự kiến ​​tiêu thụ bình quân đầu người là 20,5 kg/năm, tăng so với 20,3 kg năm 2015 và 17,6 kg năm 2006. Sản lượng nuôi trồng thủy sản phục vụ cho tiêu dùng dự kiến chiếm 53% trong năm 2016 và có xu hướng tăng hơn nữa trong thời gian tới.

Tổng giá trị thương mại toàn cầu đối với các sản phẩm thủy sản dự kiến ​​sẽ phục hồi trở lại trong năm nay lên 140 tỷ USD, tăng 4,4%, sau khi giảm năm 2015, mặc dù con số này vẫn còn thấp hơn tổng giá trị à 148,4 tỷ USD năm 2014.

Nguyên nhân phục hồi một phần là do một sự ổn định của đồng đô la Mỹ sau khi tăng mạnh so với các đồng tiền khác trong năm 2015, nhưng đây cũng là kết quả từ việc cải thiện giá đối với một số mặt hàng thủy sản có giá trị thương mại lớn. Trong đó, giá cá hồi salmon đã đạt mức cao đỉnh điểm trong năm 2016, trong khi giá cá ngừ cũng đã tăng sau một thời gian liên tục giảm. Hạn chế về nguồn cung cũng là một lý do khiến mức giá tăng, ngoài ra, nhu cầu thủy sản tăng cũng là một trong những yếu tố đẩy tổng giá trị tăng.

Là một trong những nhà sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới, Na Uy vẫn duy trì tăng cường tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK, nhờ mức giá cao đối với một số loài chủ chốt như: cá tuyết cod, cá hồi salmon, cá thu và cá trích. Theo đó, năm 2016, giá trị XK của nước này dự kiến đạt 10,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2015. Con số này vẫn thấp hơn so với năm 2014, nguyên nhân là do sự suy giảm đáng kể của đồng tiền Na Uy so với đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, Na Uy cũng được hưởng lợi từ quá trình thay đổi tỷ giá hối đoái, cũng như việc nguồn cung hạn chế đã đẩy mức giá tăng. Ngoài ra, đây cũng là kết quả nỗ lực hợp tác tiếp thị và đầu tư phát triển thị trường của cả quốc gia. Đây cũng là nỗ lực lớn khi Na Uy bị Liên bang Nga cấm vận thương mại.

Về mặt thị trường, mức tăng trưởng năm 2016 một phần là do thị trường EU phục hồi và các thị trường đơn lẻ tại Đông Á và Đông Nam Á cũng như ở khu vực Cận Đông phát triển liên tục. Khối lượng tiêu thụ thủy hải sản ở những khu vực này ngày càng tăng do thu nhập tăng và việc mở rộng tầng lớp trung lưu. Các nhà XK lớn trên thế giới đang có xu hướng đẩy mạnh XK sang những khu vực này, tại đây các thị trường mới nổi đang cạnh tranh mạnh với các thị trường truyền thống lớn ngay cả đối với các mặt hàng thủy hải sản cao cấp như cá hồi và tôm. Đặc biệt, Trung Quốc, nước XK thủy sản lớn nhất thế giới, được hưởng lợi từ việc mở rộng đối tác trong khu vực. Trong khi đó, nhu cầu ở thị trường EU cũng phục hồi đáng kể, mức giá các mặt hàng như mực - bạch tuộc, cá hồi và các loài cá đáy như cá tuyết cod tăng cũng góp phần đẩy mạnh NK toàn cầu trong năm 2016.

Nguồn cung thấp hoặc ổn định của một số loài có giá trị thương mại lớn cũng được dự kiến ​​sẽ đẩy giá thủy hải sản toàn cầu tiếp tục tăng trong thời gian tới, mặc dù kinh tế tại các thị trường mới nổi lớn như Liên bang Nga và Brazil vẫn còn đang khó khăn. Nguồn cung cá cơm giảm do hiện tượng El Nino có thể sẽ đẩy giá bột cá tăng, do đó sẽ làm tăng chi phí sản xuất, và người tiêu dùng cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng.

Những tác động tiềm tàng của Brexit đối với thương mại giữa Anh và EU, cũng như tác động của nó đối với chính sách quản lý thủy sản cũng là mối quan tâm lớn trong ngành. Biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với nguồn thủy sản cũng là một vấn đề thu hút sự quan tâm từ các chuyên gia trên thế giới hơn bao giờ hết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ nước.

Diệu Thúy