|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản lượng thi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 tăng vọt

06:55 | 31/07/2023
Chia sẻ
Trên toàn dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã huy động hơn 4.800 máy móc thiết bị các loại, 11.300 nhân sự thi công, 315 nhân sự tư vấn giám sát, tổ chức 552 mũi thi công. Các nhà thầu đều đang tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ trước khi mùa mưa đến.

Trên toàn dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã huy động hơn 4.800 máy móc thiết bị các loại, 11.300 nhân sự thi công. Ảnh: Báo GT

Tính đến ngày 20/7, trên toàn dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã huy động hơn 4.800 máy móc thiết bị các loại, 11.300 nhân sự thi công, 315 nhân sự tư vấn giám sát, tổ chức 552 mũi thi công.

Trong đó, có 219 mũi thi công cầu, hầm, 315 mũi thi công đường. Tổng số lượng nhân lực được huy động gần 11.000 người (hơn 10.500 công nhân, kỹ sư, 310 tư vấn giám sát) và gần 5.000 máy móc, thiết bị.

Tổng vốn đã giải ngân năm 2023 gần 19.000/45.230 tỷ đồng, đạt 42%. Trong đó, giải phóng mặt bằng (GPMB) giải ngân hơn 5.555 tỷ đồng, đạt gần 38%; tư vấn, quản lý dự án, chi phí khác giải ngân hơn 920 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 72%; giải ngân xây lắp đạt hơn 12.500 tỷ đồng, đạt 43%.

Sản lượng thi công tăng vọt

Phải kể đến cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng đang ghi nhận tín hiệu tích cực về giá trị thực hiện.

Theo ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, với khoảng 700 kỹ sư, công nhân, hơn 10 mũi thi công được tổ chức trên phạm vi 25 km gói thầu XL2, hiện trung bình mỗi tháng sản lượng thi công đạt khoảng 2-3,5% giá trị hợp đồng. Trước đó, thời điểm 3 tháng đầu năm, con số này thậm chí không đạt tới 1%.

Tại dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, trên 97% diện tích mặt bằng tuyến chính và 100% tuyến nối Cần Thơ, tổng số mũi thi công được huy động cho đến thời điểm này đã lên tới 55 mũi thi công, tăng 45 mũi so với thời điểm khởi công.

Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, việc tăng mũi thi công giúp sản lượng thi công đạt trung bình 50 tỷ đồng/tháng, tăng 250% so với thời điểm bắt đầu triển khai (20 tỷ đồng/tháng).

Tương tự, tại dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau, nếu thời điểm bắt đầu triển khai, trung bình mỗi tháng giá trị sản lượng thi công các gói thầu chỉ đạt 20-40 tỷ đồng/tháng. Đến nay, trung bình đã đạt 100-150 tỷ đồng/tháng.

Cao tốc đoạn Bùng - Vạn Ninh với phạm vi hơn 6 km, nút giao Cự Nẫm, các cầu Phú Định 1, Phú Định 2 gói thầu XL1, 4 mũi thi công với hơn 100 nhân lực, 50 đầu máy, thiết bị của Tổng công ty 36 vẫn miệt mài tăng tốc tất cả các hạng mục, từ nền đường đến cầu, cống, hầm chui.

Đại diện Tổng Công ty 36 cho biết, nếu trong 4 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng sản lượng thi công chỉ đạt khoảng 8 tỷ đồng thì 2-3 tháng gần đây, con số này tăng lên 20 tỷ đồng/tháng với giá trị nghiệm thu, thanh toán thường đạt khoảng 80%.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị đứng đầu liên danh thi công cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cũng thông tin, từ nửa tháng 6 đến giữa tháng 7/2023, sản lượng thi công tăng gấp đôi tổng sản lượng thi công của những tháng trước cộng lại. Mục tiêu năm 2023 của nhà thầu là hoàn thành giải ngân 4.000 tỷ đồng như kế hoạch đã đăng ký.

Công tác cấp phép mỏ vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 ghi nhận những tín hiệu tích cực. Ảnh minh họa

Thủ tục cấp phép mỏ đã khả quan hơn

Công tác cấp phép mỏ vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 ghi nhận những tín hiệu tích cực sau chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và tinh thần vào cuộc rốt ráo của các bộ, ngành, địa phương.

Dự án cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đón tin vui khi UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành hướng dẫn nhà thầu quy trình thủ tục theo hướng dẫn mới tại văn bản 4766 của Bộ TN&MT.

Một lãnh đạo Ban điều hành dự án (Ban QLDA 2) cho biết, theo kế hoạch được tỉnh Quảng Ngãi xây dựng, thời gian cấp mỏ cho nhà thầu có thể rút ngắn được 2/3 so với thực hiện theo thủ tục thông thường (khoảng 120 ngày).

Tại đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường cho biết: Sau công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công văn hướng dẫn của Bộ TN&MT, tiến độ xem xét thủ tục cấp phép mỏ đặc thù ở địa phương đã được đẩy lên nhanh hơn.

Nhà thầu đã làm thủ tục xin cấp phép 3 mỏ với trữ lượng hơn 3.000.000 m3. Hiện tại, thủ tục đã cơ bản xong, dự kiến đến khoảng ngày 30/9/2023, đơn vị thi công có thể tiếp cận khai thác mỏ.

Tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn mặt bằng, vật liệu

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tổng diện tích mặt bằng đã bàn giao cho 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đến nay hơn 627 km, đạt 87%. Song, thực tế các nhà thầu chỉ tổ chức thi công được trên phạm vi gần 564 km, đạt hơn 78%.

Trước thực trạng đó, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để kịp thời giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt là các vị trí ưu tiên GPMB.

Nhằm bảo đảm tiến độ thi công, giải ngân của dự án, các ban QLDA cũng được yêu cầu chỉ đạo nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu tăng cường mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công các cầu lớn trên tuyến để sớm hoàn thành phục vụ cho công tác vận chuyển vật liệu.

Trên cơ sở mặt bằng được bàn giao, nguồn cung vật liệu xây dựng, điều kiện thời tiết, nhà thầu phải rà soát, chuẩn xác lại tiến độ thi công tổng thể, chi tiết và có kế hoạch huy động triển khai thi công cuốn chiếu, các đoạn xong nền đường phải tổ chức thi công ngay các lớp móng, mặt đường.

Xác định vật liệu cũng là vấn đề quyết định tới quá trình tạo sản lượng giải ngân dự án, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu hoàn thiện hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, gửi cơ quan quản lý của địa phương để hoàn thiện thủ tục khai thác. Cơ quan này cũng kỳ vọng các mỏ vật liệu đã trình có thể khai thác ngay trong cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023. Các mỏ còn lại phấn đấu hoàn thành thủ tục chậm nhất trong tháng 10/2023.

Phan Trang