|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sản lượng thép xây dựng tháng 3 của Hoà Phát tăng 35% so với cùng kỳ

13:26 | 08/04/2024
Chia sẻ
Hoà Phát cho biết sản lượng bán hàng tăng trở lại chủ yếu nhờ thị trường trong nước đang vào mùa xây dựng, thị trường xuất khẩu tăng mạnh so với tháng trước.

Tháng 3/2024, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sản xuất 741.000 tấn thép thô, tăng 7% so với tháng trước. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 693.000 tấn, tăng 34% so với tháng 2/2024 và tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 381.000 tấn thép xây dựng, thép chất lượng cao, tăng 80% so với tháng 2 và tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng bán hàng tăng trở lại chủ yếu nhờ thị trường trong nước đang vào mùa xây dựng, thị trường xuất khẩu tăng 76% so với tháng trước.

 Nguồn: HK tổng hợp từ công bố thông tin của Hoà Phát.

Sản lượng HRC trong tháng 3 đạt 263.000 tấn, giảm nhẹ so với tháng trước. Ngoài ra, sản phẩm thép hạ nguồn của Hòa Phát gồm ống thép và tôn mạ ghi nhận hơn 42.000 tấn và 32.000 tấn, tương đương tháng 2.

Lũy kế quý I, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 2,1 triệu tấn thép thô, tăng 70% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,85 triệu tấn, tăng 34% so với quý I/2023.

  Nguồn: HK tổng hợp từ công bố thông tin của Hoà Phát.

Quý đầu năm, thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát đạt sản lượng 956.000 tấn, tăng 10%. Thép cuộn cán nóng đạt 805.000 tấn, tăng 67% so với 3 tháng đầu năm ngoái. Hòa Phát còn cung cấp trên 87.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam và phục vụ xuất khẩu.

Ống thép Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 131.000 tấn trong quý I, giảm 18% so với ba tháng đầu năm 2023. Tôn mạ các loại đạt sản lượng 98.000 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ 2023, trong đó lượng tôn xuất khẩu 3 tháng qua tăng trưởng mạnh, đóng góp tới hơn 61.000 tấn.

 Ảnh: Hoà Phát.

Trong báo cáo đầu tháng 4, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng ngành thép dự kiến bước vào chu kì hồi phục trong bối cảnh giá nguyên vật liệu giảm nhanh hơn giá thành phẩm do áp lực đến từ Trung Quốc.

Tính từ đầu năm đến nay, giá quặng đã giảm 15% về mức 107 USD/tấn và giá than đạt 295 USD/tấn (giảm 10% so với cùng kỳ) do nhu cầu yếu trong sản xuất thép tại Trung Quốc. Trong khi giá thép chỉ điều chỉnh giảm 3% so với cùng kỳ.

Nhu cầu thị trường nội địa dự kiến tăng trưởng nhẹ khoảng 3% khi quý I vẫn là mùa thấp điểm cho các hoạt động xây dựng dân dụng và đầu tư công tuy nhiên biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện tốt.

Đối với mảng xuất khẩu, dự kiến giá xuất khẩu cao trong quý IV/2023 sẽ được hạch toán do doanh nghiệp thường chốt giá trước thời đểm giao hàng khoảng 3 tháng, mức giá xuất khẩu tăng trưởng 7% so với cùng kỳ trong khi giá HRC đầu vào duy trì ổn định nhờ nhu cầu yếu tại Trung Quốc sẽ tác động tích cực lên biên lợi nhuận gộp.

Dự kiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tăng lên mức trung bình 7% trong quý I (so với 3% cùng kỳ). Tổng hợp lại, lợi nhuận ròng các doanh nghiệp thép sẽ có sự cải thiện tích cực về tăng trưởng và giá trị tuyệt đối trong quý I.

MBS dự phóng lợi nhuận quý đầu năm của Hoà Phát có thể tăng 736% so với cùng kỳ.

HK

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.