Sản lượng cà phê Việt Nam có thể xuống thấp nhất 4 năm vì mưa muộn
Cà phê arabica trượt giá, kéo robusta giảm theo |
Cục Nông nghiệp Mỹ tại Hà Nội theo đó hạ ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2016 – 2017 của Việt Nam xuống còn 26,6 triệu bao, tương đương mức giảm 8% so với niên vụ trước. Đây sẽ là mức sản lượng cà phê thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, AgriMoney cho biết.
Trước đó, Vicofa – Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam – từng dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm 10 – 20% trong khi công ty nghiên cứu BMI ước tính, sản lượng cà phê nước ta chỉ đạt 26,88 triệu bao.
Cục Nông nghiệp Mỹ hạ dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam với nhận định rằng, đợt mưa muộn vào cuối tuần trước đã gây gián đoạn cho công tác thu hoạch và phơi khô hạt cà phê, từ đó gây ảnh hưởng đến sản lượng cũng như chất lượng hạt.
Tuy nhiên, Cục cũng cho hay, đợt mưa muộn này sẽ giúp cây cà phê nhanh chóng phục hồi sau thời kỳ hạn hán kéo dài trong mùa khô, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh trưởng trong niên vụ tới.
“Với lượng mưa vừa đủ từ đầu tháng 8, cây cà phê sẽ nhanh chóng phục hồi sau thời kỳ hạn hán khắc nghiệt trước đó. Mưa về đêm và nắng ráo về ban ngày là điều kiện rất thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây cà phê,” Cục nhận định.
Bên cạnh đó, đợt mưa cuối tuần trước cũng giúp cây cà phê hấp thụ phân bón tốt hơn. Nhờ đó, cây cà phê sẽ có đủ dinh dưỡng cần thiết cho quá trình ra quả và phát triển nhánh cây mới cho niên vụ tiếp theo.
Tuy nhiên, Cục cũng đưa ra một số rủi ro liên quan đến việc người nông dân có thể bỏ cà phê để trồng cây khác cho lợi nhuận cao hơn.
“Ngành cà phê của Việt Nam đang bắt đầu có sự thay đổi. Người nông dân có xu hướng chuyển từ việc sản xuất cà phê sang trồng các cây trồng khác cho thu nhập cao hơn, như bơ, sầu riêng và đặc biệt là tiêu đen. Trên thực tế, người nông dân trồng tiêu đen ở Việt Nam đang thu về mức lợi nhuận khá cao, dẫn tới tình trạng nhiều hộ gia đình chuyển sang trồng tiêu trên phần lớn diện tích đất hiện có. Việc mở rộng diện tích trồng tiêu có thể đe dọa tới ngành cà phê tại Tây Nguyên – khu vực vốn có ít diện tích đất trồng,” Cục cho biết.
Xét về triển vọng xuất khẩu, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2016 – 2017 ước đạt 25,1 triệu bao, thấp hơn 2,1 triệu bao so với ước tính chính thức của USDA. Con số này tương đương với mức giảm hơn 4,4 tiệu bao so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với tình trạng thất thu ở Việt Nam, vụ cà phê robusta ở Brazil và Indonesia cũng bị thiệt hại nặng nề do El Nino, dấy lên nhiều lo ngại về tình hình nguồn cung robusta trên toàn cầu. Kết quả là, các doanh nghiệp tiêu thụ chính đang chuyển hướng sang dùng arabica thay thế cho robusta trong quá trình sản xuất.
Hai yếu tố này đã đẩy giá cà phê robusta và arabica tăng mạnh và liên tục phá đỉnh trong tháng 10 trước khi thị trường bước vào đợt điều chỉnh giá từ giữa tháng 11.