Sản lượng cà phê Kenya chạm đáy 56 năm vì qui mô sản xuất giảm
Sản lượng cà phê Kenya chạm đáy 56 năm khi nông dân giảm quy mô sản xuất
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo tổng sản lượng cà phê của Kenya trong niên vụ 2019 - 2020 sẽ đạt 650.000 bao 60 kg, giảm 13,3% so với mức 750.000 bao trong niên vụ 2018 - 2019.
Do đó, tổng sản lượng phân phối của quốc gia này dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp lịch sử là 830.000 bao so với 910.000 bao trong niên vụ trước.
Sản lượng cà phê do các nhà xay xát, đại lý và các nhà xuất khẩu ở Kenya nắm giữ cũng sẽ giảm xuống mức thấp kỉ lục 105.000 bao, thấp hơn 40.000 bao so với năm ngoái.
Theo báo cáo, quy mô của các trang trại cà phê tiếp tục thu hẹp.
Kenya có hai mùa thu hoạch riêng biệt trong một năm (giai đoạn tháng 9 - 12 và tháng 3 - 7). Theo báo cáo, 20% các nhà máy cà phê hiện đang hoạt động ở mức thấp nhất.
"Nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất của các hộ sản xuất quy mô nhỏ tại những vùng trồng phi truyền thống đã không mang lại hiệu quả, vì sự phát triển nhà ở tại các trang trại nằm gần khu vực ven đô thị, dẫn đến sự đình trệ chung của tổng sản lượng cà phê", USDA cho biết.
Ngành này cũng đang mất khả năng cạnh tranh do các yếu tố khác như tăng chi phí lao động và chi phí đầu vào, tỉ lệ sâu bệnh cao và quản lí kém trong các hợp tác xã.
Thu nhập từ cà phê của Kenya trong tháng 4/2019 đã giảm 2,8 tỉ shilling hay giảm hơn 23% so với cùng kì năm 2018 khi giá cà phê thế giới sụt giảm tiếp tục tác động tới thu nhập của nông dân.
Dữ liệu của Tổng cục Cà phê Kenya cho biết nông dân kiếm được 9,04 tỉ shilling vào tháng 4/2019, thấp hơn so với 11,8 tỉ KES được ghi nhận trong cùng kì năm ngoái.
Theo quy định của ngành cà phê Kenya, cà phê thuộc về nông dân cho đến khi một nhà xuất khẩu mua chúng. Do đó, một người trồng cà phê Kenya không chỉ chịu rủi ro sản xuất mà còn gặp rủi ro sau đó như cà phê suy giảm chất lượng, bị trộm cắp và biến động tỉ giá hối đoái", báo cáo USDA cho biết.
Gatundu South MP Moses Kuria cho biết Dự luật về chuyển đổi cây trồng qui định tất cả cà phê được trồng ở Kenya đều trải qua quá trình chế biến, sản xuất và đóng gói tại địa phương để cải thiện thu nhập cho nông dân.
Nếu không thực hiện quy định, luật pháp sẽ cấm những người mua quốc tế và các cửa hàng cà phê lớn trên toàn cầu mua các loại cà phê đã qua sơ chế.