Sàn kết nối tài chính Tima nhận hơn 2.000 đơn vay tiền mỗi ngày
Ra đời năm 2015, Tima là sàn kết nối tài chính giữa các cá nhân đầu tiên ở Việt Nam. Cơ chế vận hành của công ty là gom tiền từ các đối tác để cho những người có nhu cầu vay. Công ty cho biết, hiện tại số đơn vay mới trong ngày đạt hơn 2.000.
Trong năm 2016, Tima nhận khoản vốn hàng triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ một quỹ ở Singapore (nhưng công ty không tiết lộ tên quỹ) để tăng tốc độ tăng trưởng ở thị trường trong nước.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ tài chính đang trở thành một trong những mục tiêu đầu tư hấp dẫn nhờ số người sở hữu điện thoại di động rất lớn và một tỷ lệ lớn dân số chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Nguyễn Văn Thực, người sáng lập và giữ chức giám đốc điều hành sàn kết nối tài chính Tima. Ảnh: Tima |
"Chúng tôi đạt tốc độ tăng trưởng bùng nổ về số lượng đối tác cho vay và người vay. Tổng giá trị giao dịch trên nền tảng của chúng tôi đã đạt hơn 21.000 tỷ đồng (hơn 900 triệu USD). Công ty đã đầu tư vào công nghệ đánh giá mức uy tín của người cho vay và người vay, đồng thời sử dụng trí tuệ nhân tạo, thuê các tài năng về công nghệ và phát triển kinh doanh", anh Nguyễn Văn Thực, người sáng lập Tima, cho biết.
Anh Thực khẳng định Tima giúp kết nối người cho vay và người vay nhanh chóng, thuận tiện với nhiều sản phẩm. Mức vay phổ biến là 350 USD trên một hợp đồng. Thời hạn vay là một tháng và có thể gia hạn. Người vay trả lãi hàng tháng. Thời hạn giải ngân thường là một ngày. Tima hưởng thu nhập từ phí của người cho vay và miễn phí mọi giao dịch với người vay.
Đối tác cho vay của Tima là ngân hàng, công ty tài chính, cửa hàng cầm đồ và cá nhân. Tima chẳng những mang khách hàng tới cho đối tác, mà còn giúp họ thẩm định hồ sơ, chấm điểm tín dụng và quản trị rủi ro.
Hiện tại, Tima có một triệu người vay tiền, hơn 8.900 đối tác cho vay. Tính tới ngày 14/3, doanh thu của công ty đã tăng gấp 10 lần so với khi họ nhận vốn ở vòng Series A hồi năm 2016.
Investree, một sàn kết nối tài chính ở Indonesia, có kế hoạch mở rộng sang Việt Nam. Anh Thực nói đây là tin tốt đối với thị trường Việt Nam, bởi người tiêu dùng sẽ có thêm lựa chọn khi cần vay tiền.
"Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp công nghệ tài chính quốc tế. Mỗi doanh nghiệp có phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng và lợi thế riêng. Chẳng hạn, Tima chỉ đáp ứng nhu cầu tài chính tiêu dùng và phục vụ khách hàng trong nước. Chúng tôi cũng nhận thấy hợp tác với công ty nước ngoài có mô hình kinh doanh tương tự là một chiến lược tốt khi họ xâm nhập thị trường Việt Nam', anh Thức phát biểu.