|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sân bay châu Á được chi hàng tỉ USD để thành trung tâm thương mại

07:52 | 11/12/2019
Chia sẻ
Theo Nikkei Asian Reviews, bên cạnh doanh thu từ lĩnh vực hàng không, các sân bay châu Á đang dần biến thành trung tâm thương mại để tăng thu nhập từ bán lẻ và cho thuê.

Theo Nikkei Asian Reviews, tiếp đón hàng chục nghìn du khách mỗi ngày, các sân bay quốc tế được thiết kế để phục vụ bán lẻ và giải trí. 

Những sân bay châu Á đang nôn nóng tận dụng lợi thế từ việc tầng lớp trung lưu đang mở rộng và sự tăng trưởng của các hãng hàng không, để biến các trạm dừng đơn thuần thành điểm đến mua sắm và giải trí.

Tại Singapore, khu phức hợp thương mại Jewel mới của Sân bay Changi tiêu tốn đến 1,24 tỷ USD, rộng 135.700 m2. Khu phức hợp còn sở hữu một thác nước trong nhà cao nhất thế giới và mê cung lớn nhất Singapore.

Hiệp hội Vận tải Hàng không dự đoán hành khách hàng không toàn cầu sẽ tăng gấp đôi lên 8,2 tỷ người vào năm 2037. Châu Á dự kiến dẫn đầu làn sóng tăng trưởng, điều này khiến ban điều hành sân bay càng khuyến khích các doanh nghiệp nhiều hơn.

Sân bay châu Á được chi hàng tỉ USD để thành trung tâm thương mại - Ảnh 1.

Tập đoàn Changi Airport có 60% doanh thu từ hoạt động cho thuê và bán lẻ. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Các sân bay châu Á đang cố gắng trở thành một trung tâm thương mại, tập trung vào đối đa hóa doanh thu và thu nhập từ việc cho thuê. Tập đoàn Changi Airport đang dẫn đầu với 60% doanh thu từ hoạt động cho thuê và bán lẻ trong năm tài chính 2018 (kết thúc vào tháng 3).

Jewel có 280 khách thuê địa điểm và thu hút khoảng 300.000 khách hàng mỗi ngày. Ban điều hành sân bay hi vọng các cửa hàng và điểm tham quan mở cửa muộn sẽ giữ chân các hành khách quá cảnh.

“Tại Singapore, bản thân Sân bay Changi đã là một điểm đến thu hút khách du lịch và Jewel khiến sân bay càng trở nên hấp dẫn” Thủ tướng Lee Hsien Loong khẳng định vào lễ khai trương hôm 18/10.

Sân bay Quốc tế Incheon của Hàn Quốc, một trong những sân bay nổi tiếng nhất thế giới, được biết đến với khu vực mua sắm miễn thuế khổng lồ và rạp chiếu phim. Sân bay này công bố dự án Vision 2030 hồi tháng 9/2019.

Đến năm 2024, Sân bay Quốc tế Incheon dự định xây dựng thêm đường băng và nhà ga hành khách, hi vọng sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác để nâng cao hiệu quả.

Sân bay châu Á được chi hàng tỉ USD để thành trung tâm thương mại - Ảnh 2.

Sân bay Quốc tế Incheon của Hàn Quốc nổi tiếng với khu vực mua sắm miễn thuế khổng lồ. Ảnh: Business Korea.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, Sân bay Incheon đặt mục tiêu tăng lượng hành khách hàng năm lên 100 triệu người/năm, tăng gấp đôi doanh số lên 5 nghìn tỷ won (khoảng 4,19 tỷ USD) vào năm 2030.

Sân bay muốn trở thành cơ sở hàng đầu thế giới dựa trên chỉ số ATU (chỉ số đo lường khả năng xử lý hành khách và vận chuyển hàng hóa của sân bay).

Tại Trung Quốc, Sân bay Quốc tế Beijing Daxing khai trương từ hồi tháng 9/2019 và bắt đầu vận hành các chuyến bay quốc tế vào cuối tháng 10. Sân bay trị giá 80 tỷ NDT (11,3 tỷ USD) đã đặt mục tiêu đạt 45 triệu hành khách/năm vào năm 2021. Nhưng họ muốn nâng mục tiêu lên đến 100 triệu người.

Sân bay Quốc tế Beijing Capital chủ yếu được các hành khách trong nước sử dụng. Trong khi đó sân bay Daxing lên kế hoạch tập trung vào những chuyến bay quốc tế.

Sân bay châu Á được chi hàng tỉ USD để thành trung tâm thương mại - Ảnh 3.

Sân bay trị giá hơn 11 tỷ USD của Trung Quốc. Ảnh: ChinaDaily.

Sân bay Quốc tế Hong Kong đã lên kế hoạch mở khu phức hợp lớn SkyCity vào năm 2021. Sân bay này hy vọng sẽ trở thành một trung tâm thương mại và thu hút 100 triệu hành khách vào năm 2030.

Các sân bay Nhật Bản cũng đang nỗ lực tăng doanh thu phi hàng không. Doanh thu từ việc cho thuê tại Sân bay Narita đã đạt mức kỷ lục 143,2 tỷ yên (1,32 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3, tăng 70% so với năm năm trước đó.

Doanh thu của sân bay thậm chí có thể so sánh với doanh số tại cửa hàng bách hóa Mitsukoshi Nihombashi hàng đầu của Tập đoàn Mitsukoshi, một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất Nhật Bản.

Doanh thu từ việc bán lẻ hiện chiếm 42% doanh thu của sân bay, tương đương với hoạt động kinh doanh hàng không.

Mùa xuân năm sau, Sân bay Haneda sẽ mở một khu phức hợp được kết nối trực tiếp với nhà ga quốc tế. Khu phức hợp này bao gồm một khách sạn, các nhà hàng, cửa hiệu và spa.

Trở thành một sân bay trung tâm trên thị trường châu Á có thể mang đến một cú hích kinh tế bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút những sự kiện quốc tế. Sân bay Haneda ước tính việc gia tăng các điểm khởi hành và điểm đến vào năm tới sẽ giúp tăng thu nhập lên 650 tỷ yên/năm (5,99 tỷ USD).

Nhưng vẫn có thể xảy ra rắc rối. Căng thẳng chính trị hoặc dịch bệnh sẽ làm du khách sợ hãi. “Lợi nhuận ổn định tại các đơn vị phi hàng không sẽ giúp tăng trưởng bền vững”, chuyên gia phân tích Kotaro Toriumi nhận định.

Phương Thảo