Samsung ước tính lợi nhuận quí II giảm 56%
Ảnh: AFP
Nhu cầu và giá thành phẩm giảm, lợi nhuận hoạt động của Samsung đi xuống
Theo CNBC, Samsung - nhà sản xuất điện thoại thông minh và cung ứng chip lớn nhất thế giới ước tính lợi nhuận hoạt động ghi nhận ở mức 6,5 nghìn tỉ won (tương đương 5,5 tỉ USD), nhỉnh hơn một chút so với ước tính 6 nghìn tỉ won của giới phân tích. Tuy nhiên, con số này lại giảm 56% so với một năm trước.
Linh kiện bộ nhớ, thường được sử dụng trong thiết bị di động cầm tay và máy chủ doanh nghiệp, là hạng mục tạo lợi nhuận chính của Samsung.
Các chuyên gia nhận định toàn bộ ngành bán dẫn đang trải qua giai đoạn điều chỉnh hàng tồn kho, từ đó khiến nhu cầu đi xuống và gây ra tình trạng dư nguồn cung khiến giá thành phẩm giảm theo.
Một số chuyên gia còn dự đoán tình trạng tồn kho sẽ tiếp tục diễn ra ở cả chip nhớ DRAM và NAND, đẩy quá trình phục hồi của ngành bán dẫn sang nửa cuối năm 2020.
Chip DRAM cho phép máy tính, điện thoại và máy tính bảng chạy nhiều ứng dụng cùng một lúc, trong khi chip NAND hoạt động như một bộ lưu trữ chính.
Số liệu kinh doanh chính thức của quí II/2019 sẽ được công bố vào cuối tháng 7 này.
Nếu số liệu cuối cùng này khớp với ước tính hôm nay 5/7, đây sẽ là quí thứ hai liên tiếp lợi nhuận hoạt động của Samsung giảm hơn một nửa so với cùng kì năm trước.
Trong quí I/2019, lợi nhuận của Samsung đã giảm khoảng 60% so với cùng kì năm ngoái ở mức 6,2 nghìn tỉ won (tương đương 5,3 tỉ USD).
Căng thẳng thương mại Nhật - Hàn khiến tình hình trầm trọng hơn
Mối quan hệ căng thẳng giữa Seoul và Tokyo có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình hình của Samsung, cũng như các đối thủ ngành bán dẫn khác ở Hàn Quốc như SK Hynix.
Vào ngày 1/7, Nhật Bản tuyên bố sẽ kiểm soát nghiêm ngặt hơn hoạt động xuất khẩu vật liệu công nghệ quan trọng mà các công ty điện tử Hàn Quốc sử dụng để sản xuấ chip và màn hình điện thoại thông minh.
Các nhà phân tích tại Citi hi vọng phán quyết từ Tokyo vào tuần này sẽ "có tác động ngắn hạn và không nhiều đối với Samsung và SK Hynix nhờ mức tồn kho cao, tuy nhiên các công ty này sẽ gặp một số khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng vật liệu bán dẫn".
Một số nhà phân tích khác đã chỉ ra hiệu ứng gợn sóng trong ngành bán dẫn và màn hình hiển thị.
"Vì khối lượng hóa chất cần thiết trong qui trình sản xuất chất bán dẫn, các nhà cung ứng chip lớn khó có thể tìm đủ số lượng phù hợp từ các nhà cung ứng bên ngoài Nhật Bản", ông Len Jelinek, giám đốc phụ trách nghiên cứu chất bán dẫn tại IHS Markit, cho hay.