Samsung thay đổi kế hoạch: Rủi ro lớn cho kinh tế Việt Nam?
Với giá trị sản xuất rất lớn, chiếm tới 20% GDP, điện thoại và công nghiệp điện tử có ảnh hưởng trọng yếu đến kinh tế Việt Nam.
Theo nhận định của SSI Research trong báo cáo mới phát hành, mặc dù đóng góp của ngành xây dựng là đáng ghi nhận, song ngành công nghiệp chế biến chế tạo mới thực sự là bệ đỡ để có được sự cải thiện trong quý 3.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP (18,8%) và thường có mức tăng trưởng cao trên 10% nên đã luôn là động lực thúc đầy tăng trưởng chung.
Trong quý 1 năm 2017 và quý 2 năm 2018, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cùng gặp một khó khăn, đó là sự giảm sút của công nghiệp điện tử mà nguyên nhân chính là sản lượng điện thoại của Samsung.
“Với giá trị sản xuất rất lớn, chiếm tới 20% GDP, điện thoại và công nghiệp điện tử có ảnh hưởng trọng yếu đến kinh tế Việt Nam” – báo cáo này nhận xét.
Sau sự cố Galaxy Note 7 vào cuối năm 2016, thành công của Galaxy S8 và Note 8 đã mang lại kết quả rất tích cực cho nửa cuối năm 2017. Tuy vậy ngay cả khi Galaxy S9 đã ra đời, sản xuất điện thoại trong năm 2018 vẫn giảm sút do Samsung thay đổi kế hoạch sản xuất.
Theo SSI, đây là một thay đổi tương đối bất ngờ và tạo ra rủi ro lớn cho kinh tế Việt Nam nếu không có được những động lực tăng trưởng mới.
Ở tình thế khó khăn đó, chính sách đúng đắn và cả may mắn đã giúp tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý 3 không sụt giảm mạnh theo đà sụt giảm của điện thoại như đã xảy ra trong quý 2.
Về chính sách, hàng loạt các quy định có tính bảo hộ với ngành sản xuất ô tô và dược phẩm đã phát huy tác dụng. Ngành sản xuất xe có động cơ liên tục có cải thiện, sau 9 tháng đã tăng trưởng tới 16,3%, cao nhất 21 tháng. Tương tự, tăng trưởng của ngành dược đạt 25,9%, cao nhất nhiều năm.
SSI chỉ ra cơ may cho nền kinh tế, đó là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và việc Trung Quốc giảm sản lượng các ngành công nghiệp ô nhiễm (thép) hay nhân công giá rẻ (dệt may) đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Xuất khẩu dệt may 9 tháng tăng tới 17,1%, cao nhất kể từ năm 2015 còn sắt thép là 51,5%, duy trì phong độ cao có được từ năm 2017.
Một may mắn khác phải kể đến là việc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động. Mặc dù nhập khẩu nguyên liệu và không xuất khẩu, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn có đóng góp kịp thời và đáng kể cho ngành công nghiệp nói chung khi tạo ra tăng trưởng tới 53,1% cho ngành sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế.
Như vậy, ngay cả khi điện thoại không còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng, dấu ấn FDI vẫn còn rất đậm trong sản xuất công nghiệp, từ lọc hóa dầu Nghi Sơn đến thép Formosa.
Dẫu vậy, dấu ấn của doanh nghiệp Việt nam đang dần rõ nét hơn. Thaco từ chỗ chiếm 36,8% thị phần ô tô 8 tháng 2017 đã vươn lên 39,5% trong 8 tháng năm 2018. Với tốc độ đầu tư và hiệu quả sản xuất cao, chuyên gia SSI kỳ vọng khối tư nhân trong nước sẽ tăng tỷ trọng và ảnh hưởng, cân bằng lại vị thế của khối FDI trong cơ cấu kinh tế chung.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/