Samsung đang mất động lực tăng trưởng?
Những thay đổi quyết liệt và nhanh chóng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đưa ra ý tưởng và đọc vị thị trường từ sớm. Tuy nhiên, khi nói tới Samsung Electronics, các chuyên gia trong ngành lại bày tỏ sự lo ngại khi chưa nhìn thấy điều này, theo Korea Times.
Samsung cần một chiến lược “có khả năng chiến thắng”
Samsung Electronics có dải sản phẩm đa dạng, từ điện tử tiêu dùng, màn hình và thiết bị viễn thông cho đến chip. Ông lớn này ở vị trí lý tưởng để tổng hợp sức mạnh từ các mảng kinh doanh chính.
Hoạt động kinh doanh đa dạng và “tích hợp theo trục dọc” của Samsung giúp tăng cường các mối quan hệ giữa các bộ phận trong tập đoàn, cho phép họ chia sẻ công nghệ mới và áp dụng vào các sản phẩm của mình.
Chẳng hạn, Samsung không phải doanh nghiệp đầu tiên phát minh ra điện thoại thông minh, nhưng họ đã phát triển được các công nghệ mới có tính biến đổi, qua đó luôn duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường.
Một chuyên gia trong ngành chia sẻ với Korea Times rằng về cơ bản, Samsung đã theo đuổi chiến lược “theo chân nhanh”, có nghĩa là đòi hỏi cao về khả năng sáng tạo thay vì cố gắng là người tạo ra các xu hướng. Dù vậy, nếu muốn trở nên tinh gọn hơn, Samsung cần một chiến lược mới, có khả năng chiến thắng cao hơn.
Theo ước tính của các chuyên gia, hoạt động kinh doanh chất bán dẫn của Samsung đã chịu khoản lỗ từ hoạt động khoảng 8.000 tỷ won trong nửa đầu năm 2023, và hiện vẫn đang trên đường giải phóng lượng hàng tồn kho.
Điều này hoàn toàn trái ngược với đầu những năm 2010, thời điểm ông lớn Hàn Quốc vẫn có lãi, bất chấp những biến động lớn của thị trường sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
"Samsung là một công ty công nghệ nên công nghệ là điều quan trọng nhất. Về chip nhớ, mảng kinh doanh Samsung kiểm soát gần 50% lượng tiêu thụ toàn cầu, khi các đối thủ của công ty gặp khó khăn, ban lãnh đạo Samsung đã đạt được sự đồng thuận để giành lấy thị phần từ tay các đối thủ.
Điều này chỉ có thể xảy ra vì công nghệ của Samsung tốt hơn nhiều so với các đối thủ. Tuy nhiên, dường như Samsung đang muốn thực hiện chiến lược cùng tồn tại với các đối thủ, bao gồm SK và Micron Technology”, theo một nguồn tin nội bộ.
Dù phủ nhận điều này, song Samsung Electronics tuyên bố họ đang điều chỉnh mảng kinh doanh chip bằng cách giảm sản lượng sản xuất chip nhớ. Samsung không tiết lộ quy mô cắt giảm sản lượng.
Mặc dù quyết định này đã được SK và Micron ca ngợi, nhưng quyết định của Samsung cũng báo hiệu rằng vị thế của họ trên thị trường chip nhớ đã không còn được như trước.
Pierre Ferragu tại New Street Research, một đơn vị nghiên cứu độc lập có trụ sở tại London, giải thích: "Khi bạn không còn đấu tranh cho cuộc sống của mình nữa, bạn sẽ trở nên tự mãn. Samsung Electronics đã được xếp hạng là thương hiệu bán dẫn lớn thứ 4 sau NVIDIA, TSMC và Broadcom, về vốn hóa thị trường. Trước đó, Samsung Electronics cũng là thương hiệu bán dẫn có giá trị nhất thế giới vào năm 2018”.
Phát triển các chiến lược chiến thắng và kiếm lợi nhuận từ chúng là một cách tiếp cận tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, ngay cả những chiến lược kinh doanh hiệu quả nhất, các sản phẩm mạnh mẽ và dịch vụ hấp dẫn cũng phải phát triển liên tục khi cả thách thức và cơ hội đều xuất hiện.
Chuyên gia Choi Doh-yeon tại Shinhan Investment nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phải thay đổi linh hoạt và nhanh nhạy của Samsung. Mặc dù có nhiều chuyên môn về công nghệ, nhưng Samsung được khuyên nên tìm ra những cách tốt nhất có thể để tạo ra một môi trường đổi mới, giúp nhân viên thắp sáng đường đến thành công.
Khi thị trường chip nhớ toàn cầu bị chi phối bởi ba ông lớn, Samsung đặt mục tiêu trở thành người dẫn đầu về sản xuất theo hợp đồng chip logic vào năm 2030. Dù vậy, công ty vẫn đang gặp khó khăn trong việc ổn định năng suất sản xuất chip logic dưới 5nm.
Chất bán dẫn không có đặc tính nhớ (non-memory semiconductor) là sản phẩm chiếm doanh thu nhiều nhất trên thị trường chip toàn cầu. Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu và điện toán lượng tử ngày càng phát triển, những loại chip này ngày càng được xem trọng nhìn từ góc độ an ninh quốc gia.
Gã khổng lồ trong ngành chip của Đài Loan (Trung Quốc) TSMC – chuyên sản xuất chip cho đối tác – là đơn vị đang dẫn đầu mảng kinh doanh non-memory semiconductor.
Đối với mảng kinh doanh smartphone, lợi nhuận của Samsung Electronics trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 được cho là giảm sút so với quý trước, trong khi mảng kinh doanh thiết bị của hãng cũng dự kiến báo lỗ hoạt động gia tăng trong cùng kỳ, theo ước tính của IBK Investment và Hana Investment.
Mặc dù việc nói rằng Samsung đang mất động lực tăng trưởng có thể là điều hơi vĩ mô, song một số người trong công ty cho biết họ đã yêu cầu ban quản lý áp dụng các biện pháp sẵn có để giúp gã khổng lồ công nghệ duy trì sự linh hoạt. Đại diện của Samsung tại Seoul từ chối bình luận về vấn đề này.