|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Saigon Glory huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu, dành 85 tỷ phát triển Khu tứ giác Bến Thành

08:00 | 21/10/2023
Chia sẻ
Theo tính toán ban đầu chủ đầu tư, Khu tứ giác Bến Thành có tổng chi phí phát triển khoảng 14.400 tỷ đồng. Trong số vốn 10.000 tỷ đồng huy động được từ kênh trái phiếu, chủ đầu tư đã giải ngân 85 tỷ đồng để đầu tư vào dự án.

Năm 2020, Công ty TNHH Saigon Glory huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu thông qua 10 lô lẻ, có kỳ hạn 3 - 5 năm và lãi suất tối thiểu 11%/năm. Số tiền này được Saigon Glory dùng để tăng quy mô vốn hoạt động, thực hiện các chương trình, kế hoạch kinh doanh và cơ cấu nợ (20.590 tỷ đồng tại ngày 31/12/2019).

Thời điểm đó, Saigon Glory được giới thiệu là công ty con của Tập đoàn Bitexco (Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco), đồng thời là chủ đầu  Khu văn phòng - thương mại - căn hộ ở - khách sạn 6 sao tại Khu tứ giác Bến Thành (The Spirit of Saigon), gồm hai tòa tháp 46 tầng và 55 tầng, với 214 căn hộ ở đã được cấp phép mở bán và 250 phòng khách sạn 6 sao. Tổng chi phí phát triển dự án khoảng 14.400 tỷ đồng.

Dự án Khu văn phòng - thương mại - dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn (Khu Tứ giác Bến Thành) có tên thương mại là The Spirit of Saigon, sở hữu 4 mặt tiền đường Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Phạm Ngũ Lão - Phó Đức Chính, đối diện chợ Bến Thành. (Ảnh tư liệu: Nguyên Ngọc).

Tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của tháp A và 100% vốn góp của Bitexco tại Saigon Glory được dùng làm tài sản bảo đảm cho các lô trái phiếu. Các tài sản này được định giá khoảng 18.552 tỷ đồng.

Trong đó, giá trị tháp A theo chứng minh thẩm định giá của CTCP Thẩm định giá Indochina (IVSC) vào tháng 10/2022 gần 11.552 tỷ đồng, trên giả định Saigon Glory có đủ tiền từ các nguồn (vay, trái phiếu…) để hoàn thành xây dựng và đưa công trình tháp A đi vào sử dụng từ ngày 31/12/2024. Còn phần vốn góp của Bitexco tại Saigon Glory tương ứng với giá trị 7.000 tỷ đồng.

Trong thông báo gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Saigon Glory cho biết doanh nghiệp đã giải ngân toàn bộ 10.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu trong giai đoạn 12/6 - 28/8/2020.

Cụ thể, 9.915 tỷ đồng được dùng để hoàn trả công nợ; 85 tỷ đồng để đầu tư vào dự án (đầu tư 45 tỷ, thanh toán tiền cho nhà thầu 22 tỷ, bổ sung vốn kinh doanh 18 tỷ).

(Nguồn: HNX).

Tính đến nay, 5.000/10.000 tỷ đồng trái phiếu đã quá thời gian đáo hạn nhưng Saigon Glory không có khả năng thanh toán. Phía trái chủ nhiều lần yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm để tổ chức phát hành thanh toán nghĩa vụ nợ.

Theo kết quả tư vấn giá trị doanh nghiệp được thực hiện bởi một công ty chứng khoán, tại ngày 31/12/2022, Saigon Glory có tổng nợ phải trả 32.669 tỷ đồng, bao gồm trái phiếu, phải trả các khách hàng mua sản phẩm dự án, nợ vay bên thứ ba, nợ phải trả Bitexco, nợ phải trả nhà thầu xây dựng.

Saigon Glory có khoản phải thu dài hạn tổng giá trị 19.938 tỷ đồng là giá trị góp vốn, hợp tác kinh doanh với 7 tổ chức: CTCP River Delta, CTCP Đầu tư Cánh Rừng Xanh, CTCP Bạch Ngọc Phú, CTCP Lộc Chấn Hưng, CTCP Royal Park, CTCP Spring Island, CTCP Đầu tư Đại Phú Hòa.

Công ty chứng khoán nghi ngờ khả năng thu hồi khoản phải thu này do các các pháp nhân gặp những vấn đề pháp lý liên quan đến những vụ án sai phạm trong thời gian qua, đang được các cơ quan chức năng điều tra.

“Thực tế cho thấy các khoản phải thu này chưa đủ điều kiện để được phân loại thành nợ phải thu không có khả năng thu hồi nhưng chúng tôi không loại trừ khả năng quá trình thụ án kéo dài và việc bị đóng băng tài sản của các pháp nhân đang liên quan đến vấn đề pháp lý sẽ làm tăng thời gian trễ nợ quá 3 năm”, công ty chứng khoán lưu ý.

Tại cuộc họp gần nhất giữa tổ chức phát hành, tổ chức quản lý tài sản bảo đảm và đại diện người sở hữu trái phiếu vào giữa tháng 10, các bên đang tiến hành các thủ tục và cơ bản đã có phương án xử lý tài sản bảo đảm.

Nguyên Ngọc