|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đơn vị sở hữu loạt đất vàng TP HCM chịu lãi phạt 15,75%/năm do chậm thanh toán nợ trái phiếu

08:30 | 14/10/2023
Chia sẻ
Tính đến ngày 30/6, doanh nghiệp này còn dư nợ trái phiếu trên 5.468 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 4.800 tỷ đồng và đã lấy ý kiến cổ đông phương án xử lý tài sản bảo đảm.

CTCP Bông Sen (Bông Sen Corp) đã hút về hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu, nhất là trong giai đoạn trái phiếu bất động sản phát triển nóng: 5.473 tỷ đồng năm 2017; 7.350 tỷ đồng năm 2019; 9.600 tỷ đồng năm 2021.

Thông báo do Bông Sen Corp gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, tính đến ngày 30/6, doanh nghiệp còn tổng dư nợ trái phiếu trên 5.468 tỷ đồng, bao gồm 4.800 tỷ đồng nợ gốc, hơn 150 tỷ đồng lãi và gần 518 tỷ đồng lãi phạt (15/10/2022 - 30/6/2023). Trong đó, doanh nghiệp chịu lãi phạt chậm trả nợ gốc trái phiếu, lãi kỳ 4 và 5 với lãi suất 15,75%.

Dư nợ trái phiếu của Bông Sen Corp. (Nguồn: HNX).

Đây là lô trái phiếu được phát hành vào ngày 15/10/2021, có kỳ hạn 5 năm và lãi được trả định kỳ 3 tháng/lần. Các bên tham gia vào đợt phát hành gồm: CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) làm tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý lưu ký và đại lý thanh toán; Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C làm tổ chức kiểm toán; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chi nhánh Cống Quỳnh làm tổ chức nhận tài sản bảo đảm, tổ chức quản lý tài khoản; Công ty Luật TNHH Vina Legal làm tổ chức tư vấn luật.

Lô trái phiếu được bảo đảm bằng: 30% vốn góp trị giá 180 tỷ đồng của bà Trần Thị Phơ tại Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức; 69,9% vốn của CTCP Daeha thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Hợp Thành 1; bất động sản, động sản và một số tài sản khác.

Mục đích phát hành được doanh nghiệp công bố là đầu tư vào các dự án tiềm năng tại quận 5, TP HCM thông qua hình thức đặt cọc, mua bán, sáp nhập, nhận chuyển nhượng dự án, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp tác với các đối tác… Sau này lãnh đạo doanh nghiệp thông tin đến cổ đông là đầu tư vào dự án 152 Trần Phú (khu đất công thuộc quản lý của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Vinataba).

Khu đất 152 Trần Phú, quận 5 từng được giới thiệu ra thị trường với tên thương mại Vina Square. (Ảnh: thuongtruong.com.vn).

Xử lý tài sản bảo đảm để trả nợ trái phiếu

Đầu tháng 11 năm ngoái, TVSI đã gửi công văn đến Bông Sen Corp, SCB cùng toàn bộ người sở hữu trái phiếu về sự kiện vi phạm do chậm thanh toán lãi trái phiếu và thông báo yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm.

HĐQT Bông Sen Corp đã trình nội dung này tại ĐHĐCĐ bất thường 2023 diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua và cho biết trong trường hợp xử lý các tài sản bảo đảm trên vẫn không đủ chi trả, Bông Sen Corp sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc xử lý các tài sản khác thuộc sở hữu của doanh nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp cho biết đã thực hiện trả lãi cho trái chủ 3 kỳ, sau đó do phía đơn vị hợp tác đầu tư không thực hiện cam kết nên Bông Sen Corp bị gián đoạn việc trả lãi. Hiện phía cơ điều quan tra đang làm việc về các nội dung trái phiếu, trong đó có trái phiếu của Bông Sen Corp. Việc xin phê duyệt nội dung thanh lý tài sản để xử lý nợ trái phiếu chỉ để thực hiện sau khi có kết luận và phương án xử lý từ Cơ quan Điều tra. 

Danh mục tài sản bảo đảm Bông Sen Corp sẽ xử lý sau khi có kết luận của Cơ quan Điều tra để thanh toán nghĩa vụ trái phiếu. (Nguồn: Bông Sen Corp).

“Hiện tại công ty đang được Cơ quan điều tra yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để khắc phục hậu quả. Vừa qua công ty đã phải báo cáo thống kê tất cả các khoản thu chi để cơ quan điều tra kiểm tra xem xét dòng tiền của công ty từ khoản thu vào trừ các khoản chi phí hoạt động, lương nhân viên, công nợ phải trả, nghĩa vụ thuế cho nhà nước... còn lại dòng tiền dôi ra phải chuyển vào tài khoản chỉ định. Do vậy, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn được tiếp tục thực hiện bình thường.

Việc Bông Sen Corp có liên quan đến Vạn Thịnh Phát hay không và nguồn tiền sẽ được xử lý như thế nào vẫn đang trong quá trình làm việc và chờ kết luận từ Cơ quan điều tra của Bộ Công An. Toàn bộ dòng tiền của việc phát hành trái phiếu cũng đang trong quá trình điều tra và chưa có kết luận cuối cùng.

Về những văn bản của Cơ quan điều tra đề cập Bông Sen Corp nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát, các nội dung và kết quả làm việc với Cơ quan Điều tra, chúng tôi xin báo cáo và cung cấp cho cổ đông sau khi có kết luận chính thức”, đại diện Bông Sen Corp thông tin đến cổ đông.

Bông Sen Corp là đơn vị vận hành nhiều khách sạn, nhà hàng có vị trí đắc địa tại khu vực trung tâm TP HCM như: Khách sạn Palace Saigon (56 - 66 Nguyễn Huệ), khách sạn Bông Sen Sài Gòn (Bong Sen Hotel Saigon, 117 - 123 Đồng Khởi), khách sạn Bông Sen Annex (61 - 63 Hai Bà Trưng), nhà hàng Bier Garden (125 Đồng Khởi), nhà hàng café Brodard (131 - 133 Đồng Khởi), nhà hàng Lemongrass, nhà hàng Vietnamese House…

Năm 2015, doanh nghiệp này nổi tiếng với thương vụ chi nghìn tỷ đồng để mua cổ phần chi phối CTCP Deaha - chủ sở hữu khách sạn Daewoo (số 360 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).

Bông Sen Corp còn tham gia một số dự án lớn thông qua hoạt động góp vốn như: Sở hữu 8,93% vốn (tính đến 30/6/2019) của CTCP Khách sạn Sài Gòn (Mã: SGH), chủ khách sạn Sài Gòn (41-47 Đông Du); sở hữu 72% tại CTCP Sài Gòn One Tower, chủ đầu tư dự án Saigon One Tower bên bờ sông Sài Gòn…

Bông Sen Corp từng sở hữu một số khu đất khác hoặc tham gia góp vốn vào một số công trình lớn của TP HCM như nhà hàng Lion tại số 11 - 13 Công Trường Lam Sơn, quận 1.

Các đợt phát hành trái phiếu của Bông Sen Corp trong quá khứ còn liên quan đến nhiều doanh nghiệp nhóm Vạn Thịnh Phát (NoRah, Yamagata, Azura, Ataka và Hakuba). Thống kê từ HNX, nhóm doanh nghiệp này đã huy động trên 25.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 10 năm trong tháng 1/2019.

Nguyên Ngọc

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.