|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sacombank đổi thay sau hơn hai năm dưới thời ông Dương Công Minh

11:29 | 18/10/2019
Chia sẻ
Sau nhiều năm hoạt động đi xuống với những hệ luỵ từ quá trình sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, Sacombank đã thực sự có bước chuyển mình những năm gần đây sau khi ông Dương Công Minh nắm giữ "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT ngân hàng.

Những thông tin báo lãi nghìn tỉ hay xử lí hàng chục nghìn tỉ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có lẽ đã không còn quá bất ngờ đối với các cổ đông và nhà đầu tư trên thị trường tài chính trong khoảng hai năm trở lại đây.

Mới đây nhất, Sacombank công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 2.491 tỉ đồng. Kết quả tăng 89,5% so với cùng kì năm trước và gần đạt kế hoạch năm (2.650 tỉ đồng) nhưng cũng khó làm người ta giật mình.

header1

Có một điều rõ ràng rằng Sacombank đã thực sự "lột xác" trong hai năm trở lại đây, khởi đầu từ sự gia nhập của ông Dương Công Minh với cương vị Chủ tịch HĐQT của ngân hàng. Ngày 30/6/2017 đã trở thành một dấu mốc đáng nhớ của các cổ đông Sacombank cũng như giới ngân hàng.

Sau một khoảng thời gian hoạt động sa sút với những hệ quả nặng nề để lại từ thời Trầm Bê, sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, Sacombank đã có bước ngoặt chuyển mình kể từ đây.

Năm 2016 là một năm buồn của Sacombank khi hoạt động kinh doanh sụt giảm thê thảm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng chỉ đạt chưa đầy 89 tỉ đồng, chưa bằng 14% lợi nhuận của năm trước (648 tỉ đồng) trong khi nợ xấu nội bảng tăng thêm gần 3.000 tỉ đồng, nợ xấu ở VAMC tăng thêm hơn 23.000 tỉ đồng.

Lợi nhuận Sacombank tăng mạnh từ năm 2017

3

Nguồn: BCTC Sacombank. Đvt: tỉ đồng

Tuy nhiên, một năm sau đó và chỉ sau hơn nửa năm khi ông Dương Công Minh đảm nhiệm vị trí "ghế nóng" Chủ tịch, lợi nhuận sau thuế Sacombank tăng mạnh mẽ đạt gần 1.200 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu giảm từ 6,91% vào cuối năm 2016 về 4,67%. Cho vay khách hàng và số dư huy động tiền gửi khách hàng đồng loạt tăng.

Ngay sau khi tiếp nhận vị trí, ông Minh đã đặt mục tiêu xử lí nợ xấu lên hàng đầu với mục tiêu ngắn hạn là xử lí khoảng 20.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm 2017. Theo ông, đề án tái cơ cấu xác định trong 10 năm nhưng có thể rút ngắn xuống còn từ 3 - 5 năm với sự đồng lòng của cổ đông, của khách hàng và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Tiến trình tái cơ cấu của Sacombank sẽ sớm thành công, sớm đưa Sacombank trở lại vị thế là ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả - an toàn"

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank - Tháng 7/2017

Thực tế cho thấy, trong khi 6 tháng đầu năm 2017 Sacombank mới chỉ xử lí được 845 tỉ đồng nợ xấu thì đến cuối năm con số này đã vọt lên hơn 19.000 tỉ đồng với hơn 15.000 tỉ đồng là thuộc Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt.

Trong đó bao gồm thanh lí tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỉ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỉ đồng; tự xử lí, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỉ đồng. 

Cùng với việc ra tay xử lí nợ xấu, ông Dương Công Minh và HĐQT Sacombank thông qua cơ chế thưởng theo kết quả kinh doanh cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc, cũng như "thưởng nóng" 1 tháng lương cơ bản và nâng cao chính sách lương, phúc lợi cho hơn 17.000 nhân viên trong toàn hệ thống từ tháng 7/2017.

Động thái này là một bước chiến lược nhằm giữ chân và tạo niềm tin cho toàn thể nhân viên ngân hàng, ổn định về mặt nhân sự.

Đây có thể nói là một khởi đầu tốt đẹp tạo dấu ấn sâu sắc của ông Minh trong những ngày đầu gia nhập Sacombank. Đồng thời là bước ngoặt đối với hoạt động của toàn ngân hàng sau một chặng đường "u ám".

header2

Hoạt động của Sacombank tiếp tục khởi sắc khi năm 2018, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 1.790 tỉ đồng, tăng 51% so với năm trước. Đây cũng là một năm xử lí nợ xấu thành công của Sacombank với tỉ lệ nợ xấu giảm từ mức 4,67% xuống chỉ còn 2,13%.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận ngân hàng mang về là 1.151 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu chỉ còn 2,04%. Sacombank cũng ghi nhận kết quả xử lí nợ xấu khả quan trong nửa đầu năm với việc thu hồi và xử lí hơn 11.000 tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Lũy kế từ khi triển khai đề án tái cơ cấu đến nay, Sacombank đã thu hồi được gần 35.700 tỉ đồng.

Tính đến 30/6/2019, số dư nợ xấu nội bảng của Sacombank còn 5.703 tỉ đồng, giảm gần 59%, tỉ lệ nợ xấu chỉ chưa bằng 1/3 so với con số cuối năm 2016. Số dư trái phiếu VAMC giảm nhẹ so với cuối năm trước còn 38.568 tỉ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng hơn 3.000 tỉ đồng.

Số dư nợ xấu Sacombank giảm mạnh trong hai năm trở lại đây

4

Nguồn: BCTC Sacombank. Đvt: tỉ đồng

Số dư trái phiếu VAMC của Sacombank qua các năm

5

Nguồn: BCTC Sacombank. Đvt: tỉ đồng

Kể từ năm 2016, tổng tài sản của Sacombank vẫn tiếp tục tăng trưởng đều qua các năm, mức tăng trưởng đạt hơn 32,3%. Số dư cho vay khách hàng của ngân hàng tăng hơn 40%, tiền gửi khách hàng tăng 33,1%.

Số dư cho vay và tiền gửi khách hàng tăng trưởng đều qua các năm

2

Nguồn: BCTC Sacombank. Đvt: tỉ đồng

Cùng với đó, thu nhập bình quân hàng tháng của nhân viên Sacombank sau khi sụt giảm mạnh vào năm 2016 đã có sự tăng trưởng đều trở lại từ 14,8 triệu đồng lên 23,5 triệu đồng (6T2019), tương đương tăng gần 59%.

Thu nhập bình quân nhân viên Sacombank qua các năm

6

Nguồn: BCTC Sacombank. Đvt: triệu đồng/ tháng

Những con số kết quả kinh doanh của Sacombank có lẽ là minh chứng tốt nhất cho sự nỗ lực của toàn thể ban lãnh đạo và nhân viên ngân hàng trong hành trình lấy lại vị thế của Sacombank trước đây.

Để có được sự phục hồi khả quan như hiện nay, có lẽ không thể không nhắc tới sự đóng góp của hai gương mặt nổi bật là ông Dương Công Minh và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, CEO có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lí nợ xấu. 

Screen Shot 2019-10-18 at 07

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - TGĐ Sacombank

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm (sinh năm 1973) bắt đầu công tác tại Sacombank từ năm 2002, từng đảm nhiệm các công việc thuộc mảng kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng,… 

Trước khi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Sacombank, bà Diễm từng đảm nhiệm cương vị Phó Tổng Giám đốc phụ trách thu hồi nợ, một trong những hoạt động trọng yếu đang được Sacombank tập trung.

Còn ông Dương Công Minh, khi gia nhập Sacombank, ông có lẽ là biến số lớn nhất trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng khi trước đó nhiều nguồn tin đồn đoán rằng "người cũ" ông Đặng Văn Thành sẽ trở lại.

Trước khi về đây, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam (chuyên hoạt động kinh doanh lĩnh vực bất động sản).

Phát biểu tại đại hội cổ đông năm 2017, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh nhận định: "Việc Sacombank mời ông Dương Công Minh, một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, tham gia vào quá trình tái cơ cấu là một lựa chọn tốt. NHNN kì vọng Sacombank sẽ gỡ được nút thắt nợ xấu, đang tồn tại lớn ở bất động sản".

header3

Có mặt tại đại hội cổ đông thời điểm được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Minh là người đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu 170 triệu cổ phiếu STB, tương đương 9% vốn điều lệ của ngân hàng.

Screen Shot 2019-10-18 at 09

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2019 của Sacombank, ông Dương Công Minh sở hữu hơn 62,5 triệu cổ phiếu STB, tương đương 3,31% vốn cổ phần. Trong gia đình ông, chỉ có bà Dương Thị Liêm (em gái) nắm giữ hơn 11,8 triệu cổ phiếu, tương đương 0,62% vốn, còn lại các thành viên khác không sở hữu cổ phiếu STB nào.

Tuy nhiên trong ĐHĐCĐ diễn ra vào tháng 4/2019, ông Minh cho biết bản thân mình là cổ đông lớn nhất của Sacombank. 

Cũng tại đại hội, Chủ tịch Dương Công Minh khẳng định việc sẽ không mua đấu giá bất kì dự án nào của Sacombank. "Nhiều tin đồn cho rằng tôi là người làm bất động sản sẽ thâu tóm các dự án của Sacombank, nhưng thôi khẳng định tôi sẽ không tham gia bất kỳ dự án nào", ông nói.

Ông chia sẻ thêm hiện, Sacombank có khoảng 40 dự án đang được đấu giá công khai, giá trị khoảng hơn 20.000 tỉ đồng.

Diệp Bình