|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sắc xanh trở lại với chứng khoán Mỹ trước ngày công bố số liệu quan trọng

07:13 | 11/05/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 10/5 rung lắc mạnh trước ngày Bộ Lao động công bố báo cáo lạm phát tháng 4. Dow Jones đi xuống phiên thứ 4 liên tiếp nhưng S&P 500 và Nasdaq đã hồi phục một phần mức giảm trong ba phiên trước đó.

 S&P 500 và Nasdaq đi lên ngày 10/5 sau ba phiên giảm liên tiếp.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 85 điểm xuống còn 32.161 điểm, tương đương 0,26%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,25% và 0,98%. Biểu đồ bên trên cho thấy đây là phiên tăng đầu tiên của Nasdaq sau ba phiên giảm liên tiếp.

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 10/5 không thể hiện xu hướng rõ ràng khi các chỉ số rung lắc giữa hai sắc xanh và đỏ. Dow Jones có lúc vọt lên hơn 500 điểm nhưng ở đáy của phiên lại rớt tới 350 điểm so với tham chiếu.

Dow Jones giảm sâu so với đỉnh thiết lập hồi đầu tháng 1/2022.

CNBC dẫn lời ông Paul Hickey, đồng sáng lập công ty tư vấn đầu tư Bespoke Investment Group nhận định hôm 10/5: “Trong thị trường hiện nay, chúng ta không thể kỳ vọng vào bất kỳ đợt hồi phục nào”.

Những tháng vừa qua, nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu công nghệ, rời khỏi nhóm tăng trưởng để tìm đến các ngành trú ẩn an toàn hơn như tiêu dùng thiết yếu và tiện ích do lo ngại nguy cơ suy thoái.

Phiên 10/5, nhóm công nghệ đã chuyển sang dẫn dắt đà tăng của thị trường như thể hiện trong biểu đồ sau đây. Microsoft và Apple cùng tăng hơn 1%, Intel và Salesforce cùng thêm hơn 2%. Ở chiều ngược lại, IBM sụt gần 4%, Home Depot, 3M và JPMorgan Chase cùng mất khoảng 2% và kéo tụt chỉ số blue chip Dow Jones.

Các ngành trong chỉ số S&P 500 diễn biến phân hóa trong phiên 10/5.

Giữa đợt bán tháo, nhà đầu tư vẫn tiếp tục tìm kiếm dấu hiệu thị trường đang tạo đáy.

Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán National Securities, nói: “Thị trường hiện đã thỏa mãn rất nhiều tiêu chí của một cuộc điều chỉnh. Một khi đà giảm lan đến nhóm cổ phiếu quen thuộc với mọi gia đình, những cổ phiếu dẫn dắt thị trường và nhóm thiết yếu, thị trường nhiều khả năng đã ở nửa cuối quá trình điều chỉnh”.

Một số chuyên gia, bao gồm nhà quản lý quỹ đầu cơ David Tepper, cho rằng đợt bán tháo gần đây có thể đang dần kết thúc. Chia sẻ với CNBC, ông Tepper kỳ vọng Nasdaq sẽ giữ vững mức hỗ trợ 12.000 điểm.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ hạ nhiệt, kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới ngưỡng 3% sau khi chạm mức cao nhất kể từ cuối năm 2018 trong phiên cuối tuần trước.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hạ nhiệt.

Theo CNBC, phần lớn biến động thị trường thời gian gần đây chịu ảnh hưởng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chính sách chống lạm phát của cơ quan này. Bên cạnh đó, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến cuộc xung đột ở Ukraine và tình hình phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc.

Ông Tim Lesko, Giám đốc công ty quản lý quỹ Mariner Wealth Advisors, nói: “Nếu không có dấu hiệu nào cho thấy một trong ba áp lực trên (lạm phát, xung đột ở Ukraine và phong tỏa ở Trung Quốc) sắp dịu bớt, tôi nghĩ thị trường sẽ cảm thấy mất phương hướng”.

Phiên trước đó (9/5), chỉ số S&P 500 tụt xuống dước mốc 4.000 điểm và chạm đáy hơn một năm. Hiện nay, S&P 500 đang thấp hơn khoảng 16% so với ngày đầu năm, Nasdaq sụt tới 25%.

Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 sắp được công bố vào ngày 11/5. Theo Forbes, một số chuyên gia kỳ vọng tỷ lệ lạm phát tháng 4 vào khoảng 8,1%, thấp hơn so với mức 8,5% của tháng 3 và cho thấy lạm phát tại Mỹ đã chạm đỉnh.

Ở châu Âu, các thị trường chứng khoán Đức, Pháp, Anh đồng loạt đóng cửa phiên 10/5 trong sắc xanh.

Chứng khoán châu Âu diễn biến tích cực.

Song Ngọc - Đức Quyền