'Rủi ro với nền kinh tế do đòn bẩy gia tăng và BĐS tăng nóng là thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước'
Trong báo cáo chiến lược năm 2023 vừa công bố, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng năm 2022 có một số điểm tương đồng khá rõ ràng với giai đoạn 2008-2012 khi chứng kiến các chính sách tiền tệ thắt chặt đột ngột sau một thời gian gia tăng đòn bẩy trong nền kinh tế và giá đất tăng.
Vụ việc Vạn Thịnh Phát đã đặt ra câu hỏi "liệu Việt Nam có các vấn đề về cơ cấu xoay quanh một sự bùng nổ bong bóng bất động sản và các vấn đề về chất lượng tài sản trong ngân hàng tương tự giai đoạn 2008-2012, Trung Quốc ngày nay hay các nền kinh tế ASEAN như Thái Lan vào năm 1997?"
Tuy nhiên, VCSC dự báo những rủi ro hiện tại đối với nền kinh tế Việt Nam do đòn bẩy gia tăng và phát triển bất động sản tăng nóng là thấp hơn đáng kể so với những giai đoạn lịch sử được sử dụng để so sánh.
Phân tích thêm, về việc Việt Nam liệu có đang sử dụng đòn bẩy quá mức, VCSC cho hay tỷ lệ đòn bẩy có vẻ tương đối cao khi so với mức độ phát triển kinh tế của Việt Nam, như đã so sánh với GDP bình quân đầu người. Tuy nhiên, diễn biến này đã duy trì trong 10 năm qua, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn liên tục tăng trưởng cao với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định trên diện rộng trong giai đoạn này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng không phải đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô. Lạm phát được kiểm soát (dưới 5%) trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng/GDP ở mức trung bình và tỷ giá USD/VND duy trì tương đối ổn định.
Về vấn đề Việt Nam có đầu tư quá mức vào các tài sản không hiệu quả. Số liệu do VCSC tổng hợp cho thấy câu trả lời là không. Tài sản cố định (GFCF)/ GDP ở Việt Nam duy trì ổn định ở mức khoảng 30% trong 10 năm qua.
Tỷ lệ GFCF/GDP ở Indonesia tương đương với Việt Nam và thấp hơn ở các nước ASEAN khác được thể hiện Trong khi đó, GCFC/GDP của Trung Quốc đã ở mức trên 40% kể từ năm 2009.
GFCF/GDP vượt mức 40% ở Thái Lan và Malaysia trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Khối phân tích cũng cho rằng Việt Nam không tiêu thụ nhiều hơn sản xuất khi thặng dư tài khoản vãng lai trung bình ở mức 1,5% GDP trong 10 năm qua.
Ngược lại, Malaysia và Thái Lan ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai liên tục trong 8 và 10 năm trước năm 1997. Thâm hụt tài khoản vãng lai trung bình trong 10 năm trước năm 1997 là 3,9% ở Malaysia và 5,7% ở Thái Lan.
Ngoài ra, vị thế vay nợ nước ngoài của Việt Nam cũng không rơi vào tình trạng bấp bênh. Tổng nợ nước ngoài và nợ nước ngoài ngắn hạn so với dự trữ ngoại hối vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tổng nợ nước ngoài của Việt Nam (khu vực công và tư nhân) ở mức 39% GNI vào năm 2021. Con số này trái ngược với con số 65% ở Indonesia và 75% ở Thái Lan vào năm 1997.
Nợ nước ngoài ngắn hạn của Việt Nam chỉ dưới mức 10% GNI vào năm 2021 và tương đương 30% dự trữ ngoại hối so với 141% ở Thái Lan và 188% ở Indonesia vào năm 1997.
VCSC ước tính rằng dự trữ ngoại hối đã giảm xuống dưới 3 tháng nhập khẩu (hàng hóa và dịch vụ) tại thời điểm cuối năm 2022, tuy nhiên dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng lên 3 tháng nhập khẩu vào năm 2024, nhờ nguồn cung từ thặng dư thương mại, FDI và kiều hối.
Theo VCSC, mặc dù tổng đòn bẩy và các khoản vay nước ngoài của Việt Nam đã tăng rõ rệt trong 10 năm qua, nhưng dự báo tình hình hiện tại có thể kiểm soát được trong bối cảnh nền kinh tế có khả năng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Một số chủ đầu tư bất động sản có thể gặp khó khăn về tài chính do đòn bẩy tài chính cao và/hoặc tiến độ bán hàng chững lại tại một số dự án cụ thể. Tuy nhiên, Việt Nam dường như không đầu tư quá cao vào các tài sản không sinh lợi ở cấp độ vĩ mô và không phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay nước ngoài. Dư nợ cho vay bất động sản của hệ thống ngân hàng (ước tính chiếm khoảng 6-7% tổng tín dụng) vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Trong kịch bản cơ sở, VCSC dự báo NHNN sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng về thanh khoản khi cần thiết, nhưng Chính phủ sẽ không bảo lãnh cho các chủ đầu tư bất động sản tư nhân.