Rót tiền vào chứng khoán 2018: Kẻ khóc, người cười
Những dấu ấn chính sách đáng nhớ của thị trường chứng khoán Việt Nam 2018 |
Nhà đầu tư có thể khóc ròng trong năm 2018, còn những vị tỉ phú thì sao? |
Thị trường có tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp, qua đó kết năm với mức giảm trên cả VN-Index và HNX-Index lần lượt là -9,3% và -10,8%. Cụ thể, kết phiên 28/12, VN-Index giảm 19,72 điểm (-2,2%) xuống 892,54 điểm; HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,2%) xuống 104,23 điểm.
Thanh khoản trong tuần qua suy giảm và tiếp tục ở dưới mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 4.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Với việc thị trường tiếp tục điều chỉnh trong tuần qua thì gần như toàn bộ các nhóm ngành trụ cột đều sụt giảm. Nhóm dầu khí giảm mạnh nhất với 7,2% giá trị vốn hóa, do các trụ cột trong nhóm này đều sụt giảm mạnh như PLX (-7,2%), PVD (-8,5%), PVS (-6,4%), BSR (-5,6%)... Tiếp sau là nhóm ngân hàng tiếp tục giảm 3,5% do VCB (-1,8%), CTG (-7,4%), VPB (-3,6%), MBB (-7,2%), SHB (-2,7%)... đã gây áp lực mạnh trên toàn thị trường.
Trên sàn HOSE, CLW (CTCP Cấp nước Chợ Lớn) tăng mạnh nhất tuần. Theo sau là DDT (CTCP Kỹ nghệ Đô Thành) và HAI (CTCP Nông dược HAI). Ở diễn biến ngược lại, TTE (CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh) giảm mạnh 30%. Đáng chú ý, cổ phiếu QCG (CTCP Quốc Cường Gia Lai) cũng giảm hơn 16% trong tuần.
Trên sàn HNX, HHC (CTCP Bánh kẹo Hải Hà) có mức tăng khá mạnh với 49% trong khi HTP (CTCP HTInvest) dẫn đầu top cổ phiếu giảm mạnh nhất với hơn 20%. Tại UPCoM, RCC (CTCP Tổng Công ty Công trình đường sắt) tăng mạnh nhất với gần 60% nhưng PTX giảm 40%.
Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc năm 2018 với một kết quả không ngờ đến, nhất là vào thời điểm đầu năm với những nhận định lạc quan về thị trường chiếm đa số.
Trong năm, có khá nhiều cố phiếu mới chuyển sàn hoặc niêm yết mới trên sàn HOSE, trong đó có thể kể đến những cổ phiếu bluechip, gây nhiều ảnh hưởng tới quy mô vốn hóa cũng như giá trị giao dịch của sàn như VHM, TCB, HDB, TPB hay YEG.
Với những cổ phiếu đã lên sàn trước năm 2018, các cổ phiếu tăng mạnh trên 100% là ACL, CMX, ANV và TTB với mức tăng lần lượt là 291%, 243%, 173% và 105%. Thanh khoản trung bình phiên trong cả năm qua ở mức 201 triệu cổ phiếu, tăng 5% so với mức 192 triệu của năm 2017. Năm 2018, khối ngoại đã mua ròng hơn 41,2 nghìn tỷ trên sàn HOSE, tăng 69% so với mức mua ròng 24,4 nghìn tỷ của năm 2017.
Các mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index trong năm 2018 là VNM, FLC, VHM. Ngược lại, các mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số là VIC, BID, BVH, SAB và NVL.
Bên cạnh đó, các ngành tăng mạnh nhất trong năm 2018 là Bảo hiểm, Bất động sản và Hóa chất với mức tăng lần lượt 24%, 21% và 2%. Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất là Xây dựng và vật liệu, Dầu khí và Viễn thông với mức giảm 34%, 30% và 24%.
Theo SHS, những diễn biến tiêu cực trên thế giới như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 4 lần trong năm nay, những bất ổn chính trị tại châu Âu, giá dầu WTI giảm từ 75 USD/thùng xuống 45 USD/thùng đã khiến đà tăng chỉ có thể duy trì đến tháng 4 với mức đỉnh lịch sử mới tại 1.211 điểm.
Đường trendline tăng trưởng của VN-Index từ đầu năm 2016 cũng bị phá vỡ trong tháng 10 năm nay dẫn đến việc thị trường đã mất đi xu hướng tăng về mặt kỹ thuật và diễn biến trong năm 2019 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trước mắt.
Nhưng hiện tại, SHS vẫn khá lạc quan về thị trường vào đầu năm, do thống kê cho thấy hiệu ứng tháng Giêng (January Effect) tại thị trường Việt Nam là khá mạnh với 7/8 năm gần nhất trong giai đoạn 2011-2018, VN-Index đều tăng điểm trong tháng đầu năm. Dự báo, trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2019 với chỉ 3 phiên (2-4/1), VN-Index có thể sẽ test lại đáy cũ 880 điểm và kỳ vọng chỉ số sẽ có nhịp bật lên lại 900 điểm.
Xem thêm |