Rót tiền mạnh vào The Coffee House và Juno, Ficus ghi nhận lỗ cả triệu USD trong năm 2020
Ficus Asia Investment là công ty gốc Singapore nhưng lại góp mặt trong nhiều thương vụ đầu tư tại Việt Nam.
Mới đây, Ficus ghi nhận doanh thu giảm từ 176 triệu USD của năm 2019 xuống còn gần 157 triệu USD trong năm 2020, theo hồ sơ đăng ký với Cơ quan Quản lý Kế toán và Doanh nghiệp Singapore (ACRA).
Cùng thời điểm, lỗ ròng của công ty cũng tăng 52% lên mốc 38 triệu USD vào năm 2020 từ con số 25 triệu USD của một năm tước đó.
Công ty cho rằng doanh thu giảm do tác động của COVID-19, theo TechInAsia. Tuy nhiên, Ficus nói thêm rằng lỗ ròng thực tế chỉ tăng 3 triệu USD vì những sự khác biệt trong tính toán chi phí tài chính.
Ficus, đặt trụ sở tại Singapore, hiện có nhiều hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, logistics và công nghệ tại Việt Nam.
Nhiều công ty trong hệ sinh thái của Ficus như chuỗi cà phê The Coffee House hay chuỗi thời trang Juno vốn hoạt động chủ yếu với mô hình trực tiếp đã chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch.
Ở mặt tích cực, phân tích của TechInAsia cho thất Ficus đón nhận tăng trưởng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, từ âm 2 triệu USD trong năm 2019 đến dương 12 triệu USD trong năm 2020.
Sự chênh lệch giữa mức lỗ kế toán của Ficus và dòng tiền dương từ hoạt động kinh doanh là do hai điều chỉnh chính được cộng vào con số lỗ ròng, bao gồm 27 triệu USD chi phí khấu hao và 26 triệu USD chi phí lãi vay.
Cả hai chi phí này đều không liên quan đến tiền mặt và vì thế không ảnh hưởng đến dòng tiền từ kinh doanh của Ficus trong năm 2020. Nó cũng đồng nghĩa với việc dù lỗ, các mảng kinh doanh của Ficus thực tế đang mang lại nhiều hiệu quả hơn trong năm 2020 so với năm 2019.
Ông Đinh Anh Huân là chủ tịch của Ficus. Trước đó, ông được biết đến trong vai trò người sáng lập của Thế Giới Di Động. Đến nay, Ficus đã nhận được khoảng 50 triệu USD đầu tư từ quỹ eWTP Capital (quỹ đầu tư được Alibaba "chống lưng"), gồm 50 triệu USD đầu tư vào năm 2020 thông qua pháp nhân Redefine Capital Fund va 10 triệu USD đầu tư vào tháng này.
Báo cáo tài chính của Ficus trong năm 2020 cho thấy Ficus đã tăng cổ phần nắm giữ trong nhiều công ty. Cụ thể, công ty này đã chi ra 7 triệu USD đầu tư vào nhóm các công ty có cổ phần nhưng không phải cổ phần chi phối và 13 triệu USD cho hoạt động thâu tóm (nắm giữ phần lớn cổ phần).
Năm 2020, Seedcom, quỹ đầu tư trong hệ sinh thái của Ficus, mua thêm cổ phần các công ty như The Coffee House, Juno, và Haravan. Sau các giao dịch này, Ficus có cổ phần chi phối trong Juno và Haravan.
Trong một thông báo gửi tới TechInAsia, ông Đinh Anh Huân nói rằng The Coffee House, Juno, và Haravan nằm trong chiến lược bán lẻ mới của Seedcom nhằm xây dựng hệ sinh thái kinh doanh phục vụ cả người dùng cuối và các nền tảng B2B trong bán lẻ.
Với chiến lược này, Seedcom cũng đầu tư vào chuỗi The Coffee House trong năm 2020.
Một khoản đầu tư khác cũng đáng chú ý trong danh mục của Seedcom là Scommerce, công ty thương mại điện tử đã từng nhận được 100 triệu USD trong vòng đầu tư do Temasek dẫn dắt.
Dù vậy, doanh thu của Scommerce giảm từ 103 triệu USD (2019) xuống còn 91 triệu USD (2020). Ở Việt Nam, Scommerce vấp phải cạnh tranh mạnh mẽ ở mảng logistics cùng các đối thủ như Ninja Van, J&T Express và Giaohangtietkiem.
Scommerce từng thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn mang tên Lala trong năm 2017, tuy nhiên đóng cửa dịch vụ một thời gian ngắn sau đó. Đến cuối năm ngoái, mảng giao hàng siêu biên giới của startup này mang tên Gido cũng dừng hoạt động.
Thời gian gần đây, các quỹ đầu tư do Alibaba "chống lưng" khá năng động tại Việt Nam. Bên cạnh eWTP Capital, BAce Capital cũng đầu tư vào startup công nghệ bảo hiểm Papaya vào đầu năm nay. Hồi tháng 8, quỹ này cũng đồng dẫn dắt một vòng đầu tư trị giá 12 triệu USD vào công ty logistics định hướng thương mại điện tử Loship.
Cùng Baring Private Equity Asia (Hong Kong), chính Alibaba cũng tham gia vào vòng đầu tư trị giá 400 triệu USD vào Masan hồi tháng 5. Khoản đầu tư này sẽ giúp cải thiện mức độ cạnh tranh cho Lazada, sàn TMĐT Alibaba nắm cổ phần chi phối, ở mảng giao đồ tươi sống.