|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Con gái bị chê vẽ xấu, ông bố phát triển ứng dụng chỉnh sửa ảnh thu hút 1 tỷ lượt tải xuống, 10 năm sau được định giá 1,5 tỷ USD, doanh thu 100 triệu USD

07:48 | 15/09/2021
Chia sẻ
Sau khi nhận được 130 triệu USD vốn đầu tư ở định giá 1,5 tỷ USD, Picsart đang trên đà trở thành Photoshop cho thế hệ người dùng Facebook, TikTok, Instagram.

Lớn lên ở Armenia vào đầu những năm 1980, Hovhannes Avoyan mơ ước được theo học trường mỹ thuật công. Để được nhận vào trường, các ứng viên phải nộp một bức tranh tĩnh vật vẽ lại lọ hoa. Bức vẽ của Hovhannes Avoyan không thu hút được sự chú ý.

Ông bố khởi nghiệp vì con gái bị chê, 10 năm sau có trong tay startup 'kỳ lân' - Ảnh 1.

Ông Hovhannes Avoyan, người sáng lập Picsart. (Ảnh: Forbes).

Mơ ước bất thành, anh chọn một con đường sáng tạo khác là khoa học máy tính. Hovhannes Avoyan dành nhiều sự quan tâm cho những phiên bản đầu tiên của trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy. Bước chuyển này của Hovhannes Avoyan đã mang về trái ngọt.

Trong vòng 30 năm tiếp theo, Hovhannes Avoyan đã xây và bán ba startup phần mềm. Anh trở nên giàu có và là một trong những lãnh đạo công nghệ đáng chú ý nhất tại địa phương.

Ông bố khởi nghiệp vì con gái bị chê, 10 năm sau có trong tay startup 'kỳ lân' - Ảnh 2.

Vì vẫn là một người yêu nghệ thuật, ông khuyến khích con cái mình theo đuổi điều này. Vào năm 2011, cô con gái 11 tuổi của ông, Zara, đăng một bức vẽ lên mạng xã hội và nhận được nhiều bình luận tiêu cực khiến cô bé muốn từ bỏ.

"Chỉ trích đã làm tổn hại đến sự tự tin của cô bé. Nó gần như muốn từ bỏ", ông Avoyan nhớ lại. "Nó làm tôi nhớ đến chính bản thân mình khi từ bỏ nghệ thuật để theo đuổi một lĩnh vực khác vì tôi không nhận được sự hỗ trợ phù hợp", ông nói thêm.

Ông bố khởi nghiệp vì con gái bị chê, 10 năm sau có trong tay startup 'kỳ lân' - Ảnh 3.

Picsart muốn thúc đẩy sự sáng tạo của người dùng. (Ảnh: Picsart).

Vì thế, Avoyan đã phát triển một ứng dụng di động với những công cụ có thể giúp con gái ông cải thiện các bức vẽ của mình. "Tôi muốn cho cô bé một môi trường tích cực và mang đến các công cụ giúp nó phát huy được hết tài năng sáng tạo", ông nhấn mạnh.

10 năm sau đó, công cụ mà Avoyan phát triển cho con gái mình đã trở thành Picsart, một trong những ứng dụng nổi tiếng nhất thế giới.

Ứng dụng thiết kế và chỉnh ảnh này đã được tải về hơn 1 tỷ lần tại 180 quốc gia. Bên cạnh đó, nó cũng hỗ trợ tới 28 ngôn ngữ. Mỗi tháng, hơn 150 triệu khách hàng, đa số dưới 35 tuổi, dùng Picsart để thực hiện hơn 1 tỷ lượt chỉnh sửa ảnh và video để đăng lên mạng xã hội, các trang thương mại và quảng cáo số.

Sử dụng mô hình freemium, người dùng có thể sử dụng các tính năng cơ bản của Picsart miễn phí hoặc chuyển sang dùng ứng dụng cao cấp hơn với giá 4,66 USD/tháng. Picsart cũng hiển thị quảng cáo với mức độ thấp trên ứng dụng song nó không thu thập dữ liệu và quảng cáo nhắm đến đối tượng cụ thể. Trong năm 2021, doanh thu Picsart đến thời điểm hiện tại đã vượt mốc 100 triệu USD.

Mới đây, ông Avoyan công bố Picsart đã nhận được 130 triệu USD trong vòng đầu tư Series C do Softbank dẫn dắt cùng sự tham gia của Sequoia, G Squared, Tribe Capital, Graph Ventures, và Siguler Guff & Company. Nguồn tin thân cận nói với Forbes nói rằng khoản đầu tư đã đưa định giá của Picsart lên gần 1,5 tỷ USD. Ông Avoyan từ chối chia sẻ cụ thể cổ phần đang nắm giữ trong công ty song ông hiện vẫn đang là cổ đông lớn nhất.

"Picsart có nhiều điểm tương đồng với WhatsApp. Đây là một nền tảng toàn cầu được người dùng ở khắp nơi sử dụng", ông Mike Vernal, đối tác tại Sequoia, nói. "Cả hai ứng dụng này đều trở thành một hiện tượng trên thế giới trước khi được biến đến rộng rãi tại Mỹ".

Ông bố khởi nghiệp vì con gái bị chê, 10 năm sau có trong tay startup 'kỳ lân' - Ảnh 4.

Thành công của Picsart đến từ việc tận dụng được hai xu hướng mạnh mẽ nhất làng công nghệ: mạng xã hội và thương mại điện tử.

Khi mạng xã hội và điện thoại thông minh biến tất cả mọi người thành một "nhà xuất bản nội dung", hàng trăm triệu người dùng Picsart là công cụ hỗ trợ thiết kế. Dễ dùng và thân thiện với thiết bị di động, Picsart tạo ra các công cụ AI cho phép bất kì ai chỉnh sửa và làm đẹp hình ảnh, video đơn giản như dùng Instagram.

Ông bố khởi nghiệp vì con gái bị chê, 10 năm sau có trong tay startup 'kỳ lân' - Ảnh 5.

Thành công cua Picsart đến từ việc tận dụng tốt xu hướng trên mạng xã hội và thương mại điện tử. (Ảnh: Picsart).

Cả dân chuyên nghiệp và nghiệp dư đều dùng Picsart để chỉnh ảnh và thêm phong cách cho các bài đăng trên TikTok, Instagram, Snap, YouTube và Facebook. Chỉ với vài cú lướt tay, bạn có thể giúp hình ảnh của mình có thêm màu sắc hay các "góc chết" trên khuôn mặt được chính sửa hoàn hảo.

Thế nhưng Picsart không phải ứng dụng chỉ dành cho ảnh tự sướng. Khi hàng triệu doanh nghiệp chuyển đổi sang Internet vì COVID-19, nhiều doanh nhân dùng Picsart để sản phẩm của mình ấn tượng và thu hút click hơn.

Trải nghiệm liền mạch với Picsart là mục tiêu của ông Avoyan ngay từ ngày đầu phát triển ứng dụng cho con gái mình vào năm 2011. "Nhiều người đánh đồng kỹ thuật tốt với sáng tạo", ông nói. "Công nghệ của chúng tôi cải thiện kỹ thuật của tất cả mọi người và trở thành cỗ máy cho sáng tạo thị giác".

Ông Avoyan sinh năm 1965 tại Yerevan, Armenia với sự nuôi dường của người mẹ là một giáo sư y khoa, nhà nghiên cứu bệnh học hàng đầu. Nơi ông sống khá ổn định và buồn tẻ. Sự nghiệp tốt nhất mà mọi người nhìn nhận ở đây là theo đuổi con đường học thuật. Sau khi bị trường mỹ thuật từ chối, ông Avoyan theo chân mẹ và đặt mục tiêu có bằng tiến sỹ khoa học máy tính tại Đại học Hoa Kỳ ở Armenia.

Đến năm 1996, năm 30 tuổi, ông Avoyan bỏ học chương trình tiến sỹ và ra mắt Cedit, một công ty phần mềm mà sau đó ông bán lại cho Lycos, một công ty tìm kiếm trên Internet, với giá vài triệu USD 4 năm sau đó.

Đến năm 2005, ông Avoyan thành lập một vườn ươm và công ty nghiên cứu và phát triển phần mềm có tên Sourcio. Công ty tiếp theo của ông là Monitis, một dịch vụ quản lý website, mà TeamViewer/GFI Software mua lại với giá 4 triệu USD vào năm 2011. Đây cũng là năm Picsart ra đời.

Dù dấn thân vào lĩnh vực startup, ông Avoyan vẫn dạy học tại Đại học Mỹ. Ông cùng hai cựu sinh viên của mình là Artavazd Mehrabyan và Mikayel Vardanyan biến Picsart thành một mô hình kinh doanh.

Lúc đó, iPhone khá hiếm hoi tại Armenia và hầu hết các kỹ sư vẫn dùng ngôn ngữ Java để lập trình. Vì thế, Picsart ra mắt trên Android. Đây cũng là lựa chọn thông minh vì Android chưa có nhiều ứng dụng chỉnh ảnh. Picsart nhanh chóng nhận được sự chú ý của nhiều người dùng trên toàn thế giới.

Ông Avoyan và cộng sự áp dụng nhiều chiến thuật để liên tục tưng trưởng, ví dụ nhưu cập nhật ứng dụng vào nửa đêm thứ 6 hàng tuần để Picsart được xếp vào danh sách các ứng dụng đáng chú ý trên Android. Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng có thêm các công cụ và tính năng mới hàng tuần để người dùng có thứ mong đợi và thường xuyên vào ứng dụng.

Khi Picsart tăng trưởng, ông Avoyan tận dụng mối quan hệ với trường đại học để tuyển 200 thực tập sinh khoa học máy tính mỗi năm. "Đây là cách tuyển dụng ít tốn chi phí. Họ học được kỹ năng mới. Mọi người đều được hưởng lợi", ông nói. Đến nay, chương trình thực tập này vẫn được duy trì.

Ông Avoyan sẽ dùng số vốn mới kêu gọi được để tuyển dụng thêm nhiều kỹ sự giỏi và phát triển thêm các tính năng AI. Điều này là cần thiết để duy trì cạnh tranh trên thị trường. Ông Avoyan tiết lộ Picsart có thể IPO trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới.

Hiện tại, ông cũng muốn đẩy mạnh hoạt động quảng cáo bởi trước đó Picsart phát triển chủ yếu nhờ truyền miệng.

Trong dài hạn, ông muốn phát triển đội ngũ bán hàng doanh nghiệp để chuyển đổi Picsart từ một công ty nhỏ thành một tập đoàn lớn với các công cụ thiết kế, xuất bản và hợp tác tương tự như Dropbox hay Airtable.

Nam Khánh