|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

RongViet Research: Giá hàng hóa sẽ hồi phục trong năm 2017

20:24 | 16/01/2017
Chia sẻ
Kết thúc chu kỳ giảm kéo dài 5 năm, giá nhiều mặt hàng hóa đã hồi phục một cách ấn tượng trong năm 2016. Đà hồi phục được kì vọng sẽ kéo dài trong vòng vài năm tới nhờ yếu tố cung cầu, theo Bộ phận Research của Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (RongViet Research).

Theo RongViet Research, các nhà sản xuất đã trở nên thận trọng hơn do các hàng hóa trên thị trường giao dịch thấp hơn chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất trên thế giới cũng đã cắt giảm sản lượng cũng như đầu tư vào các dự án tương lai. Như vậy, giá nhiều mặt hàng hóa trong thời gian tới có thể chịu ảnh hưởng.

Đáng chú ý, giá dầu Brent được dự báo sẽ vượt mức 50 USD/ thùng trong năm 2017 và chạm mốc 60 USD/thùng vào cuối năm.

Trước đó, vào năm 2016, giá dầu Brent hồi phục 46% nhờ việc Mỹ giảm lượng tồn kho cũng như cắt giảm đầu tư vào các dự án tương lai. Bên cạnh đó, thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ OPEC cũng giúp giá dầu hồi phục dựa trên kì vọng tái cân bằng sẽ diễn ra sớm hơn trong năm 2017.

Thị trường đang lo ngại về việc tăng mạnh sản lượng ở mặt hàng dầu đá phiến, tuy nhiên hầu hết các nhà sản xuất sẽ giữ vững kỷ luật và các dự án đầu tư sẽ không tăng lên cho đến khi giá dầu WTI chạm mức 55USD/thùng và duy trì ổn định trên mức này.

Đối với quặng sắt, năm 2017 sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá mặt hàng này trên cả phương diện cung và cầu. Cụ thể, rủi ro nguồn cung chủ yếu đến từ kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ gần 60% lượng quặng trên thế giới. Trong năm 2016 Trung Quốc sản xuất lên tới gần 810 triêu tấn, cao hơn dự báo 800 triệu tấn. Tương lai, việc giảm tốc từ Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá quặng sắt.

Trong khi đó, ở chiều cung, tranh chấp giữa Nga và Ukraine sẽ làm gián đoạn đến quá trình sản xuất quặng sắt. Mặc dù Ukraine chỉ là nước nhỏ nhưng lại là nhà cung cấp quặng chủ yếu cho thị trường thép nội địa cũng như các nước Châu Âu và Nga.

Theo RongViet Research, nhu cầu đồng trong năm 2017 sẽ bị ảnh hưởng bởi các rủi ro kinh tế từ Trung Quốc khi mà nước này đang chiếm 50% sản lượng tiêu thụ trên thế giới. Mặt khác, nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị ở các nước sản xuất. Cụ thể, bạo động ở Chile sau cuộc bầu cử năm 2017 sẽ gây ra gián đoạn ở các mỏ khai thác, giống như Peru và Indonesia ở năm 2016 khi mà nguồn cung của hàng trăm ngàn tấn đồng đã bị gián đoạn.

Năm 2016, giá đồng đã hồi phục 22% sau khi giảm 24% trong năm 2015. Nguyên nhân là, kế hoạch của tổng thống Trump trong việc chi tiêu vào cơ sở hạ tầng sẽ làm tăng lực cầu các hàng hóa phục vụ xây dựng hạ tầng thêm 20%.

Mặt hàng kẽm cũng được kì vọng sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2017, do lượng sản xuất sụt giảm trong khi lực cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh từ Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.

Trong năm 2016, kẽm là một trong những mặt hàng hồi phục nhiều nhất khi giá tăng 72%. Mặc dù nửa đầu năm, thị trường đã có nhiều lo ngại với nền kinh tế Trung Quốc tuy nhiên đến nửa cuối năm, giá kẽm đã có đà hồi phục ấn tượng khi mà các nhà đầu tư đặt kì vọng vào các kế hoạch chi tiêu cơ sở hạ tầng cũng như dự báo về thiếu hụt nguồn cung.

Hồng Vũ