ROE của Habeco chỉ bằng 1/4 của Carlsberg Brewery
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (Mã: BHN) chính thức giao dịch trên UPCoM vào hôm qua với giá tăng kịch trần 54.600 đồng/cp. Habeco hiện chiếm thị phần đứng thứ 2 cả nước, tương đương 18%. Cũng như Sabeco, tiến trình niêm yết và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp này nhận được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.
Trong các cách để xem xét hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp, đánh giá suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE) là cách đơn giản và tốt nhất được sử dụng. Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) sử dụng phương pháp Dupont 5 - bước để làm một so sánh ngắn về hiệu quả kinh doanh của Sabeco, Habeco và các nước trong khu vực.
So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực, tỷ suất lợi nhuận của hai Habeco và Sabeco chưa cao (thấp hơn 4 - 7%) và hiệu quả sử dụng tài sản thấp làm kéo giảm suất sinh lời trên VCSH (ROE).
Vòng quay tài sản của hai công ty bia nội địa chỉ quanh mức 1-1,3 lần, trong khi bình quân của 3 công ty bia còn lại của khu vực khoảng 2,2 lần.
Theo BCTC 6 tháng năm 2016 của Habeco và Sabeco, khoản mục tiền và tương đương tiền chiếm lần lượt 40% và 70% trong tổng tài sản, đồng nghĩa với việc phần lớn tài sản của những doanh nghiệp này đang nằm ở tài sản có tỷ suất sinh lời không cao.
Tại giá đóng cửa ngày hôm nay, Habeco đang giao dịch với mức P/E forward khoảng 16,6x, trong khi mức P/E bình quân của các doanh nghiệp bia ở khu vực châu Á đang ở mức 20x. Mức giá hiện tại, VDSC đánh giá không còn rẻ khi triển vọng tăng trưởng trong thị trường bia nội địa không nhiều trước áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bia ngoại.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng nếu doanh nghiệp có thể cải thiện hoạt động kinh doanh và hiệu quả sử dụng tài sản, đặc biệt là tiền, tỷ số ROE của doanh nghiệp sẽ tích cực đáng kể so với trước. Đây có thể là một yếu tố để nhà đầu tư có thể kỳ vọng khi đầu tư vào hai cổ phiếu này sau khi nhà nước thoái vốn.