RCEP đạt được đồng thuận về doanh nghiệp vừa và nhỏ
Vòng đàm phán thứ 16 Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã khép lại tại Indonesia ngày 10/12. Các nước tham gia RCEP đã tán đồng "Chương quy định" về SME là dựa trên thực tế rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nhiều phát kiến mới trong các nước tham gia RCEP.
Đây là nội dung thứ hai được đại diện 16 nền kinh tế thành viên RCEP nhất trí sau "chương" về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đã đạt được tại vòng đàm phán trước đó ở Thiên Tân Trung Quốc.
Các đoàn tham dự cuộc thương thảo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết, khắc phục sự khác nhau về mức độ phát triển trong các nước tham gia RCEP, khi hướng đến mục tiêu chung là ký kết các hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi.
Các nước tham gia RCEP hiện cũng đang trong quá trình đàm phán các vấn đề quan trọng về (thương mại) hàng hóa, dịch vụ, hoạt động đầu tư, luân chuyển lao động...
RCEP được khởi động năm 2012 với sự góp mặt của 16 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sáu đối tác thương mại của khối là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Nếu được thực thi, RCEP sẽ bao trùm khu vực rộng lớn chiếm tới 45% dân số thế giới và khoảng 30% giá trị thương mại toàn cầu.