|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Rabobank: Sản lượng tôm nuôi năm 2020 có thể giảm ít hơn dự kiến

07:04 | 19/12/2020
Chia sẻ
Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA) đã thực hiện một cuộc khảo sát các nước sản xuất tôm và chỉ ra rằng sản lượng tôm thế giới có thể giảm 10% trong năm nay.

Theo ngân hàng Rabobank, việc Trung Quốc tăng cường các đơn hàng gần đây cùng với sản lượng sản xuất tôm của Ecuador tăng và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của sản lượng tôm ở Ấn Độ có thể dẫn đến việc sản lượng tôm nuôi năm 2020 toàn cầu giảm ít hơn dự báo trước đó.

Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA) đã thực hiện một cuộc khảo sát các nước sản xuất tôm và chỉ ra rằng sản lượng tôm thế giới có thể giảm 10% trong năm nay.

Rabobank: Sản lượng tôm nuôi năm 2020 có thể giảm ít hơn dự kiến - Ảnh 1.

Nguồn: Undercurrentnews. (Việt hóa: Đức Quỳnh)

Theo Gorjan Nikolik, chuyên gia phân tích của Rabobank, dự báo này có thể “hơi quá tiêu cực” vì nó bao gồm mức sụt giảm mạnh 26% của Ấn Độ.

Ông Nikolik cũng cho hay sản lượng tôm của Ấn Độ có thể giảm đáng kể 10-15%, trong khi đó một số nước như Indonesia có thể tăng sản lượng.

Đây là một yếu tố không hề có trong cuộc khảo sát của GAA mà ông Nikolik đã chỉ ra.

Sản lượng tôm Ecuador đã tăng 7% so với cùng kì năm ngoái, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Các chuyên gia đồng ý rằng quốc gia Mỹ Latin này có thể duy trì được đà tăng này cho đến cuối năm nay. 

Theo ông Nikolik, sản lượng tôm toàn cầu năm 2020 có thể giảm ít hơn 10% so với cùng kì năm ngoái, khoảng 5% và năm 2021 có thể phục hồi gần khoảng gần 8%.

Ông này cũng cho hay cuộc khảo sát có xu hướng “tích cực” vào năm 2021. 

Tháng 9 năm ngoái, Robins McIntosh, phó chủ tịch cấp cao của công ty kinh doanh nông nghiệp Charoen Pokphand Foods (CP Foods) đã đưa ra dự báo của mình về sản lượng tôm năm 2020 vào khoảng 3,17 triệu tấn, giảm 16% so với ước tính sản lượng năm 2019. 

Tuy nhiên ông Nikolik đã chỉ ra rằng đơn hàng của Trung Quốc trong những tháng gần đây đang dần hồi phục. 

Trong bài phát biểu của mình trước hội thảo, ông nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là một trở ngại lớn đối với cả nhu cầu lẫn nguồn cung tôm trên toàn thế giới. 

Đại dịch COVID-19 phá vỡ cán cân cung-cầu tôm nuôi

Quí I/2020, Trung Quốc, một trong những thị trường tiêu thụ tôm lớn trên toàn thế giới, là nước đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi đợt bùng phát đại dịch COVID-19. 

EU và Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các đơn đặt hàng nhưng sau đó tình hình đã đảo ngược vào quí II, khi mà Trung Quốc dần phục hồi và nhập khẩu số lượng lớn tôm.

Khi phương Tây dần khôi phục sau đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch, Trung Quốc gặp phải vấn đề với việc phát hiện ra dấu vết virus COVID-19 trên bao bì bên ngoài tôm Ecuador vào tháng 7, dẫn đến việc tôm Ecuador không được chấp nhận tại Trung Quốc, tạo ra “một sự điều chỉnh lớn trên thị trường này”.

Trong thời điểm đó, Ecuador chuyển hướng xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ.

Theo báo cáo của Undercurrent trước đó, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Mỹ cao hơn một phần bù đắp sự sụt giảm trong các lô hàng đến Trung Quốc.

H.Mĩ