Rabobank: Nguồn cung thịt heo tiếp tục tăng trong năm 2021
Pigprogress trích dẫn báo cáo thịt heo hàng quý của Rabobank cho biết sự lạc quan của ngân hàng Hà Lan đi song song với cảnh báo dịch tả heo châu Phi (ASF) tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất thịt heo ở châu Á và châu Âu, cũng như dòng chảy thương mại toàn cầu.
Ngân hàng cũng chỉ ra đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động tới toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Trong báo cáo mới nhất, Rabobank dự đoán nguồn cung thịt heo toàn cầu sẽ tăng trưởng ở châu Á, Bắc và Nam Mỹ, nhưng sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn ở châu Âu.
Rabobank cho biết mặc dù Trung Quốc tiếp tục thống trị thương mại toàn cầu, mức giảm nhập khẩu dự kiến của gã khổng lồ châu Á vào năm 2021 sẽ có tác động phân tán đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, nơi các lệnh cấm thương mại đối với Đức làm tăng nguồn cung nội địa và ảnh hưởng đến thị trường.
Trung Quốc: Đẩy nhanh tốc độ tái đàn, nhập khẩu thịt heo giảm
Sau khi tái đàn một cách nhanh chóng trong năm 2020, Trung Quốc sẽ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất thịt heo vào năm nay. Rabobank ước tính mức tăng trưởng là 10 - 15%.
Mặc dù dịch ASF tiếp tục lan rộng tại quốc gia châu Á, tác động của dịch bệnh đang giảm dần. Trong báo cáo của mình, ngân hàng viết rằng thương mại thịt heo toàn cầu đang đối mặt với những biến động lớn.
"Với sản lượng dự kiến tăng ít nhất 10 - 15%, nhập khẩu của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 10 - 30% trong năm nay. Điều này sẽ vẫn khiến năm 2021 trở thành năm nhập khẩu lớn thứ hai của quốc gia này, nhưng sự thay đổi về nhu cầu sẽ tác động đến tất cả nhà xuất khẩu", nhà phân tích cấp cao về protein động vật Chenjun Pan cho biết.
Tình hình sản xuất thịt heo ở Châu Âu
Sản lượng thịt heo tại châu Âu dự kiến sẽ không đổi hoặc giảm nhẹ vào năm 2021, do nhu cầu xuất khẩu giảm, trong khi nhu cầu nội địa phục hồi chậm do dịch COVID-19 và các mối đe dọa từ dịch ASF đang diễn ra ở Đông Âu và Đức.
Tây Ban Nha đã ghi nhận sự gia tăng về xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc do dịch ASF bùng phát được phát hiện trên heo rừng ở Đức. "Trong khi Đức tập trung vào việc tìm kiếm các điểm đến xuất khẩu thay thế, Tây Ban Nha và Đan Mạch sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc Đức vắng mặt ở một số thị trường châu Á", bà Pan nhận định.
Mỹ: Chính sách thương mại, nhập cư và hỗ trợ trang trại vẫn được đặt lên hàng đầu
Tại Mỹ, nhu cầu nội địa và xuất khẩu tăng mạnh đang giúp thúc đẩy thị trường thịt heo và hỗ trợ giá heo hơi tiếp tục tăng mạnh.
Doanh thu tốt hơn đang giúp bù đắp chi phí thức ăn gia tăng. Chính sách thương mại, nhập cư và hỗ trợ trang trại vẫn được quan tâm hàng đầu khi chính quyền của Tổng thống Biden nắm quyền kiểm soát.
Brazil: Xuất khẩu thịt heo cao kỷ lục vào năm 2020
Brazil đã ghi nhận xuất khẩu cao kỷ lục trong năm ngoái. Giá thịt heo nội địa tăng do nhu cầu xuất khẩu mạnh và chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Do hạn hán ảnh hưởng đến năng suất và nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh, Rabobank dự đoán giá ngũ cốc thức ăn chăn nuôi sẽ ở mức cao trong những tháng tới.
Mặc dù vậy, sản lượng heo hơi của quốc gia Nam Mỹ dự kiến sẽ tăng 2,5% vào năm 2021 để đáp ứng sự phục hồi của nhu cầu địa phương và một năm xuất khẩu mạnh mẽ nữa.
Việt Nam: Số lượng heo bằng 87% mức trước dịch ASF
Rabobank trích dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết đàn heo của cả nước trong năm 2020 đạt 27,3 triệu con, tăng 20% so với năm 2019, và bằng 87% mức trước dịch ASF.