|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quỹ ngoại Whistle Investment Limited thoái sạch vốn khỏi ACB

18:14 | 01/04/2024
Chia sẻ
Whistle Investment Limited đã bán nốt gần 49 triệu cổ phiếu, tương đương 1,26% vốn tại ACB. Trước đó, quỹ ngoại này cũng đã bán 145 triệu cổ phiếu ACB. Tổng giá trị hai giao dịch trên là gần 5.500 tỷ đồng.

Theo thông tin công bố, trong phiên giao dịch 28/3, quỹ ngoại Whistle Investment Limited đã bán nốt 48,9 triệu cổ phiếu ACB đang nắm giữ, đưa tỷ lệ sở hữu từ 1,26% xuống 0%. Giá trị giao dịch thỏa thuận trong phiên là 1.462 tỷ đồng, tương đương mức giá bình quân 29.900 đồng/cp.

Vào phiên 22/3, quỹ này cũng đã bán ra 145 triệu cổ phiếu ACB với mức giá trung bình là 27.650 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị giao dịch là 4.009 tỷ đồng.

Như vậy, sau hai phiên giao dịch, quỹ Whistle Investment Limited đã thoái vốn hoàn toàn khỏi ACB. Số tiền thu về tổng cộng là hơn 5.471 tỷ đồng. Theo công bố, kể từ ngày 1/4, Whistle Investment Limited đã không còn là cổ đông lớn của ACB.

Danh tính của người mua trong hai phiên giao dịch trên vẫn chưa được công bố. Cả hai giao dịch đều là mua bán của khối ngoại và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ACB vẫn ở mức 30% (bằng với trần).

Trước khi thực hiện hai giao dịch trên, quỹ này và Sather Gate Investments Limited sở hữu tổng cộng 387,8 triệu cổ phiếu, tương ương 9,98% vốn điều lệ của ACB. Hiện chỉ còn Sather Gate Investments Limited nắm giữ 193,9 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 4,99% vốn điều lệ của ngân hàng.

 Kết quả giao dịch trong phiên 28/3. (Ảnh: Công bố thông tin).

Whistle Investment Limited cùng Sather Gate Investments Limited đã trở thành cổ đông lớn của ACB vào năm 2018, thay thế cho Standard Chartered Bank. Cả hai quỹ ngoại này đều thuộc sở hữu của công ty mẹ là Alp Asia Finance Vietnam Limited.

Trước đó, hồi đầu tháng 1/2024, theo hai nguồn tin của Reuters, CVC Capital Partners, một cổ đông nước ngoài khác, đang xem xét kế hoạch bán cổ phần tại ACB.

Các nguồn tin cho biết, CVC Capital đang đàm phán với một số cố vấn về việc bán cổ phần của ACB sau khi được một số người mua tiềm năng tiếp cận, bao gồm cả những người mua từ Nhật Bản. Công ty đầu tư có trụ sở tại châu Âu này là cổ đông nhỏ lẻ (sở hữu dưới 5% vốn) của ACB. 

CVC đầu tư vào ACB từ năm 2017, theo website của công ty. Tuy nhiên, CVC không công bố thông tin chi tiết về khoản đầu tư trên. 

Email và địa chỉ dùng để công bố thông tin đều có liên hệ với CVC Capital Partners. (Ảnh: Công bố thông tin). 

Tuy chưa xác định được cụ thể mối liên hệ giữa Whistle Investment Limited và CVC Capital Partners nhưng hai tổ chức này có một số điểm liên quan đến nhau từ email liên lạc và địa chỉ trụ sở chính.

Địa chỉ đặt trụ sở chính của Whistle Investment Limited là “Kingston Chambers, PO Box 173, Road Town, Tortola, British Virgin Islands”  cũng là địa chỉ của một số công ty con của CVC Capital, chẳng hạn như OANDA Global Markets. 

Ngoài ra, email được sử dụng để liên lạc của quỹ Whistle Investment Limited có đuôi “@cvc.com” cũng là email của CVC Capital Partners. 

Minh Quang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.