Quỹ lớn nhất thị trường vừa giải ngân gần 3.000 tỷ đồng trở lại thị trường, nhóm Dragon Capital cơ cấu danh mục thế nào giai đoạn qua?
Quỹ lớn nhất thị trường VEIL giải ngân gần 3.000 tỷ đồng trở lại thị trường
Trong báo cáo mới nhất được quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) công bố cho thấy tỷ trọng tiền mặt trong danh mục thời điểm đầu tháng 12 giảm xuống dưới 5%. Tại ngày 1/12, quỹ có tỷ trọng tiền 4,76%, tương ứng 75,3 triệu USD. Tổng giá trị tài sản ròng của quỹ là 1,581 tỷ USD.
Quan sát cho thấy quỹ đầu tư này giải ngân trở lại thị trường trong ba tuần gần đây khi thị trường bước vào nhịp hồi phục từ nửa cuối tháng 11.
Ghi nhận tại ngày 10/11, tỷ trọng tiền mặt của quỹ VEIL lên ngưỡng kỷ lục 13,81%, tương ứng số tiền mặt nắm giữ gần 200 triệu USD. Động thái bán ròng nâng tỷ trọng tiền mặt của quỹ VEIL bắt đầu từ cuối tháng 9 khi lượng tiền mặt tăng từ 14,2 triệu USD lên con số kỷ lục trên.
Lịch sử quỹ VEIL thường giải ngân trở lại thị trường khi tỷ lệ tiền trong danh mục vượt ngưỡng 5%. Đợt cơ cấu danh mục lần này không phải là ngoại lệ.
Ước tính trong khoảng thời gian (10/11 – 1/12), quỹ lớn nhất thị trường do Dragon Capital quản lý giải ngân hơn 123 triệu USD trở lại thị trường, tương ứng số tiền gần 2.900 tỷ đồng.
Với quy mô trên, VEIL là một trong số những quỹ đầu tư tích cực mua ròng nhất trên thị trường cùng với các quỹ ngoại lớn khác như Fubon FTSE Vietnam ETF.
Theo quan sát, không chỉ VEIL, nhiều quỹ thành viên khác trong nhóm Dragon Capital cũng giải ngân mạnh mua cổ phiếu Việt Nam giai đoạn qua như DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, Hanoi Investments Holdings Limited, Norges Bank, KB Vietnam Focus Balanced Fund, Grinling International Limited, CTBC Vietnam Equity Fund, Amersham Industries Limited.
Trong giai đoạn qua các quỹ thành viên của Dragon Capital tích cực giao dịch cơ cấu danh mục, dẫn đến việc thay đổi tỷ trọng của các cổ phiếu.
Tại ngày 1/12, hai khoản đầu tư dẫn đầu về tỷ trọng trong danh mục đầu tư của quỹ VEIL là ACB và VPB, lần lượt là 11,23% và 11,96%. Đây là hai mã có tỷ trọng trên 10% trong danh mục quỹ, theo sau là MWG (8,96%), VCB (5,51%) và FPT (5,09%). Top10 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của quỹ còn có các cổ phiếu chiếm dưới 5% như VHM (4,62%), GAS (4,53%), HPG (4,01%), BCM (3,96%), MSN (3,15%).
Nhóm Dragon Capital giao dịch cơ cấu danh mục thế nào?
Trở lại với giao dịch của quỹ VEIL nói riêng và Dragon Capital nói chung, gần đây nhất nhóm Dragon Capital thông báo nâng tỷ trọng sở hữu tại Ngân hàng Sacombank (Mã: STB) và Gelex (Mã: GEX). Tỷ trọng sở hữu tại ngân hàng Sacombank vượt 5% và hơn 6% tại Gelex.
Trong giao dịch của nhóm quỹ, quỹ VEIL mua vào 2,5 triệu cổ phiếu STB và 1 triệu cổ phiếu GEX dẫn đến sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu trên.
Với cổ phiếu PVD, các quỹ thành viên của nhóm Dragon Capital mua vào nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 8%. VEIL không góp mặt trong giao dịch này.
Trong đợt cơ cấu này, quỹ VEIL mua thêm lượng lớn cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền. Cụ thể, quỹ mua 9,75 triệu cổ phiếu KDH trong phiên giao dịch ngày 15/11, đưa nhóm Dragon Capital trở lại làm cổ đông lớn của công ty.
Ngoài ra những cổ phiếu trên, quỹ VEIL còn giao dịch các cổ phiếu khác như DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, DCM của Đạm Cà Mau.
Chiều ngược lại, nhóm Dragon Capital bán bớt các cổ phiếu như NLG của Nam Long, KBC của Kinh Bắc. Trong giao dịch ngày 30/11, nhóm quỹ ngoại Dragon Capital đã bán ra toàn bộ hơn 36,2 triệu cổ phiếu HPX (tương đương 11,9% vốn điều lệ) mà nhóm quỹ này sở hữu tại CTCP Đầu tư Hải Phát, thông qua quỹ thành viên Amersham Industries Limited (bán ra 7,88 triệu cp), quỹ VEIL (26,5 triệu cp) và quỹ Wareham Group Limited (bán ra 1,78 triệu cp).
Từ những thông tin phân tích trên cho thấy rằng quỹ VEIL nói riêng và nhóm Dragon Capital nói chung đã giải ngân trở lại vào cổ phiếu Việt Nam. Đây là thông tin tích cực cho thấy sức hút của cổ phiếu Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.