Quý I: Doanh thu Sabeco đạt 7.184 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 mà Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB) vừa công bố, doanh thu thuần của Sabeco đạt 7.184 tỷ đồng, tăng 970 tỷ (tương ứng tăng 15,6%) so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng gần 10% so với quý I/2023.
Sau khi trừ chi phí, Sabeco lãi sau thuế 1.024 tỷ đồng, nhích nhẹ gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 6% so với quý trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ trong quý I/2024 đạt hơn 997 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ 2023.
Năm 2024, Sabeco đạt mục tiêu doanh thu 34.397 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023 và lợi nhuận 4.580 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện 2023. Như vậy, trong quý I/2024, Sabeco đã thực hiện 21% chỉ tiêu doanh thu và 22 % mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
"Vươn mình" trong thử thách
Sau những khó khăn từ bên ngoài do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, cạnh tranh gay gắt cùng với việc Chính phủ thắt chặt các quy định về tiêu thụ bia rượu và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, Sabeco đã ưu tiên cải thiện định mức sản xuất nhằm đạt được tiêu chuẩn thế giới thông qua việc nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, song song với việc tập trung vào tính bền vững bằng việc quản lý tốt nguyên vật liệu đầu vào và tiêu thụ năng lượng trong quá trình sản xuất.
Vào tháng 5/2023, Sabeco chính thức ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn năng lượng SP (Singapore) để triển khai giai đoạn 2 của dự án lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại 9 nhà máy bia của Sabeco với công suất cao nhất lên tới 10,44 MWp.
Bên cạnh việc kiểm soát tiêu thụ năng lượng và nước, Sabeco còn tập trung đầu tư hệ thống trang thiết bị và công nghệ hiện đại, giúp giảm tiêu hao năng lượng trong suốt quá trình sản xuất.
Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Sabeco ngày 25/4, Tổng Giám đốc Sabeco Tan Teck Chuan Lester cho rằng việc kinh doanh sẽ có những lúc khó khăn. "Sẽ có những cơn mưa rào, giông bão chờ đợi phía trước. Chúng ta không thể đợi mưa ngừng, gió lặng, mà phải có hành động ứng phó. Phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa”, ông Tan Teck Chuan Lester nói.
Để gia tăng thị phần và ứng phó với những thách thức, Sabeco tập trung vào ba khía cạnh: Tối ưu bán hàng, hiệu quả cung ứng, và hoạt động trách nhiệm với xã hội môi trường (ESG). Việc tập trung này đã mang lại kết quả tích cực trong quý I/2024.
Đánh giá thị trường bia năm 2024 còn nhiều khó khăn, báo cáo thường niên của Sabeco cho hay ngành bia bị ảnh hưởng nặng nề kể từ đại dịch COVID-19, cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan như Luật phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100 khiến kết quả các doanh nghiệp chưa đạt như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, việc người dân thắt chặt chi tiêu với việc thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn đối với thiết kế bao bì, chất lượng,… cũng là một áp lực đối với các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chi mạnh trong các chiến dịch quảng cáo và khuyến mãi để tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ.
Nghị định 100 được dự đoán sẽ tiếp tục là một rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay, chưa kể đến các yếu tố như chi phí sản xuất kinh doanh như bao bì, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao, biến động bất thường và dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Tuy nhiên, năm 2024 ngành bia cũng được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô như cơ cấu dân số vàng, thu nhập của người dân tăng nhanh. Dù vậy, sự cạnh tranh trên thị trường tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn cũng là một thách thức đối với ngành bia.
Hiện tại, đồ uống có cồn tại Việt Nam đang phải chịu ba loại thuế: Thuế nhập khẩu, từ 5 - 8% tùy, thuế giá trị gia tăng 8% đến hết tháng 6/2024 và 10% trong nửa cuối năm; thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng mạnh từ mức 50% lên 65% năm 2018.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó có rượu, bia trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tiếp tục là một sức ép không nhỏ đến các doanh nghiệp trong ngành.
Theo nhận định của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), việc tăng thuế sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp, vì vậy, doanh nghiệp cần phải có đủ thời gian để chuẩn bị và lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, do đó không nên nóng vội, rút ngắn hay bỏ qua các yêu cầu, quy trình cần thiết khi sửa đổi bổ sung một luật thuế quan trọng như vậy.
Do đó, Sabeco xác định tiềm năng lớn sẽ nằm ở phân khúc “bia không cồn” cũng như việc đẩy mạnh các thị trường xuất khẩu.