|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Quy hoạch Cam Lâm thành đô thị sân bay, trung tâm dịch vụ thông minh, đổi mới sáng tạo

18:38 | 13/03/2022
Chia sẻ
Thủ tướng đề nghị định hướng quy hoạch theo hướng "đa mục tiêu" nhằm biến Cam Lâm thành trung tâm đô thị, dịch vụ đẳng cấp quốc tế thông minh, hiện đại, sinh thái; trung tâm trí tuệ, đổi mới sáng tạo với các diễn đàn khoa học công nghệ quốc tế được tổ chức hằng năm, các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ cao cấp khác

Ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ đã đi thị sát thực địa về định hướng quy hoạch xây dựng đô thị sân bay Cam Lâm, huyện Cam Lâm.

Thủ tướng đề nghị định hướng quy hoạch theo hướng "đa mục tiêu" nhằm biến vùng đất nông thôn, miền núi này thành trung tâm đô thị, dịch vụ đẳng cấp quốc tế thông minh, hiện đại, sinh thái; trung tâm trí tuệ, đổi mới sáng tạo với các diễn đàn khoa học công nghệ quốc tế được tổ chức hằng năm, các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ cao cấp khác...

Quy hoạch Cam Lâm thành đô thị sân bay, trung tâm dịch vụ thông minh, đổi mới sáng tạo  - Ảnh 1.

Một góc huyện Cam Lâm. (Ảnh: Chu Lai).

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu địa phương, các cơ quan liên quan phối hợp tiếp tục nghiên cứu về định hướng quy hoạch, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan theo đúng quy định của pháp luật, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định, lâu dài, chất lượng cao cho người dân; tạo dựng một hình mẫu mới về công tác tái định cư, theo đó có thể triển khai tái định cư trước khi triển khai các dự án, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của người dân tại nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, để người dân tin tưởng, ủng hộ việc triển khai thực hiện quy hoạch.

Tháng 2 vừa qua, tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch sử dụng đất huyện Cam Lâm đến năm 2030.

Tổng diện tích đất tự nhiên của Cam Lâm là hơn 54.659 ha. Quy hoạch đến 2030, đất nông nghiệp được điều chỉnh giảm từ 46.840 ha còn 42.930 ha, trong đó, đất nuôi trồng thủy sản giảm từ 604 ha còn 102 ha; đất trồng lúa từ 1.776 ha còn 1.186 ha; đất trồng cây lâu năm và cây hàng năm giảm mạnh lần lượt giảm hơn 1.200 ha và 1.561 ha.

Còn đất phi nông nghiệp được quy hoạch tăng mạnh từ 6.254 ha lên 11.141 ha (tăng 4.887 ha) chiếm 20,35% diện tích huyện Cam Lâm. Đáng chú ý, đất thương mại dịch vụ tăng mạnh từ 623 ha lên 1.815 ha (tăng 1.192ha); đất ở nông thôn tăng gần 600 ha; đất vui chơi giải trí công cộng tăng hơn 431 ha; đất phát triển hạ tầng tăng gần 1.400 ha, trong đó đất giao thông tăng hơn 1.155 ha.

Huyện Cam Lâm là địa phương có vị trí nằm giữa hai TP Cam Ranh và Nha Trang với bờ biển dài 13 km. Với vị trí là đô thị nằm giữa, Cam Lâm có vai trò quan trọng trong việc kết nối chuỗi các đô thị gồm Nha Trang, Diên Khánh và Cam Ranh.

UBND tỉnh Khánh Hòa hồi cuối năm 2021 có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần của TP Cam Ranh với mục tiêu phát triển thành đô thị sân bay theo mô hình đô thị kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái có quy mô dân số tương đương đô thị loại I, làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.

Theo đó, Cam Lâm định hướng quy hoạch thị trấn Cam Đức, khu vực Bãi Dài và khu vực phía đông đầm Thủy Triều trở thành đô thị du lịch. Trong đó, đô thị Cam Đức đảm nhận chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện; trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp phía nam tỉnh.

Huy Hoàng