|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Quy hoạch 'băm nát' Nha Trang

08:55 | 25/08/2019
Chia sẻ
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa chỉ ra hàng loạt vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa, trong đó có vi phạm trong việc quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng. Trên thực tế, thời gian qua, vi phạm trong việc quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng đã khiến TP Nha Trang bị “băm nát”, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Xẻ núi, lấp biển làm dự án

Trong vòng 10 năm trở lại đây, khi nói đến sự phát triển của TP Nha Trang (Khánh Hòa), người ta thường nhắc đến các dự án ven biển, nằm trong quần thể vịnh Nha Trang. Để có vị trí đẹp nhằm xây biệt thự, nhà hàng, khu du lịch, nhiều nhà đầu tư đã ồ ạt lấp, lấn biển một cách vô tội vạ. 

Có thể kể ra hàng loạt dự án lấp biển Nha Trang với quy mô lớn như: Bến du thuyền; Champarama; Amianna; bãi tắm khách sạn Mường Thanh, Hòn Rùa… Trong đó phải kể đến điểm “nóng” là khu vực biển trên đường Phạm Văn Đồng. Từ khi con đường này đưa vào khai thác, hàng loạt dự án đã hình thành theo, tạo nên một dải đô thị ven biển sầm uất.

Nhiều nhà đầu tư vì lợi ích của mình đã thực hiện lấp biển tạo nên những dự án có view đẹp nhất để kinh doanh, bán dự án. Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, người có công khá lớn trong quyết sách làm nên tuyến đường Phạm Văn Đồng, bày tỏ: “Khi cung đường này hình thành, chúng tôi tâm huyết nó sẽ là bước đột phá cho du lịch Nha Trang thêm khởi sắc, bãi biển đẹp hơn. 

Nhưng không, nhiều doanh nghiệp chỉ đến đây lấy cho bằng được các doi đất mặt biển qua việc lấp lấn biển quá đáng. Họ không làm du lịch sinh thái, tạo nên những cung đường công cộng ven biển mà xây thêm những bức tường chắn ngang biển để làm của riêng”.

Ngoài các dự án lấp biển, tỉnh Khánh Hòa còn phê duyệt hàng loạt dự án trên núi cao tại TP Nha Trang. Đáng nói, ngay cả những nơi chưa có quy hoạch tổng thể, chưa được đánh giá tác động môi trường bài bản cũng được cấp phép bừa bãi. Các dự án trên mục đích chính là phân lô bán nền biệt thự, khu sinh thái. 

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc TP Nha Trang, núi Cô Tiên rộng gần 2.000ha, được xem là biểu tượng của thành phố. Thời gian gần đây, từ đỉnh núi đến chân núi, nhiều nơi bị giăng dây, rào tôn, đào bới… tơi tả. 

Núi xưa vốn đẹp, hiền hòa nay bị phá loang lổ; nhiều vết cắt từ đỉnh chạy dọc xuống chân núi đã xuất hiện sau mùa mưa do các thảm thực vật bị mất, nguy cơ sạt lở rất cao. Tại đây từng xảy ra một tai nạn thảm khốc, khiến 4 người trong một gia đình cô giáo chết thảm, hàng chục ngôi nhà dưới chân núi bị vùi lấp.

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, hiện núi Cô Tiên có trên 30 dự án lớn nhỏ; một số dự án đã phân lô bán nền từ mấy năm nay, có dự án bán đã xong và đang trong quá trình làm hạ tầng. 

Nhiều người dân phản ánh, có một thời nhiều “cò” đất đến đây lùng sục mua đất của dân, nhưng mục đích chính là gom đất cho các dự án nhỏ đã cho chủ trương đầu tư nhưng chưa đủ diện tích.

Theo thống kê sơ bộ, tại TP Nha Trang hiện có gần 100 dự án đồi, trong đó có một số dự án lớn, như khu vực núi Giáng Hương có 6 dự án; núi ở khu vực Hòn Rớ (xã Phước Đồng) có 13 dự án; núi Chụt (phường Vĩnh Trường) có 8 dự án; núi Hòn Thị có 7 dự án…

"Núi thì xẻ núi, biển thì lấp biển, hồ thì lấp hồ, sông thì lấp sông. Hàng loạt dự án chỉ chăm chăm chia lô bán nền, rồi hậu quả dân chịu. Không thể như vậy được! Vừa rồi, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã chỉ đạo sát vấn đề dân bức xúc. Dự án nào có nguy cơ gây sạt lở, không phù hợp, chúng tôi sẽ kiến nghị thu hồi, chấm dứt đầu tư ngay"

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa

Quy trình ngược trong cấp phép

Trong các dự án nói trên, có những nơi không đủ điều kiện cấp phép, nhưng địa phương lại dễ dàng thỏa thuận cho lập quy hoạch, lập dự án. Có những doanh nghiệp đã bán dự án, thu về hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng dự án chỉ vẫn là… núi. 

Không chỉ có sai sót trong quy hoạch xây dựng tổng thể, hàng loạt dự án đồi núi tại TP Nha Trang hiện chưa có quy hoạch sử dụng đất rõ ràng, hoặc đồi núi tại đây đang là khu vực rừng tự nhiên, phòng hộ.

Theo ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa, núi Cô Tiên và một số khu vực núi khác, trong quy hoạch sử dụng đất thì thành phần gồm đất đồi núi, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ. “Như vậy, muốn làm dự án đô thị, sinh thái thì phải thay đổi mục đích sử dụng của các khu vực này rồi mới cấp dự án”, ông Võ Tấn Thái phân tích.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa đầu tháng 7 vừa qua, vấn đề dự án núi Cô Tiên và các dự án đồi được đem ra mổ xẻ.

Theo ông Nguyễn Ngô, đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa, trong gần 20 dự án được thỏa thuận địa điểm hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên núi Cô Tiên, một số dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Đa số các dự án là làm nhà ở, phân lô bán nền. Một số dự án có quy mô 2-3ha nhưng vẫn được cấp giấy phép và đang bạt núi làm dự án. 

Trong khi đó, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của toàn bộ núi Cô Tiên chưa được phê duyệt; hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa có thì tỉnh Khánh Hòa lại phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho từng dự án, điều này là quy trình ngược, dẫn đến dự án manh mún, khó tiến hành được quy hoạch tổng thể sau này. 

Đáng ngại hơn, hiện khu vực núi Cô Tiên chưa có đánh giá tác động môi trường bài bản, tổng thể nên nguy cơ sạt lở trong mùa mưa là đáng quan ngại.

“Qua giám sát núi Cô Tiên, chúng tôi thấy có 17 dự án không phù hợp với quy hoạch, 7 dự án có diện tích phù hợp quy hoạch nhỏ hơn diện tích dự án. Kiểu cấp phép dự án nhưng không kiểm soát được việc hoạt động là rất nguy hại”, ông Nguyễn Ngô cho biết.

Lý giải vì sao không có quy hoạch mà vẫn chấp nhận thỏa thuận dự án, phê duyệt dự án 1/500, ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho rằng, có nhiều dự án hình thành ở nhiệm kỳ trước, thời điểm đó luật không quy định phải có quy hoạch 1/2.000 trước mà thỏa thuận dự án xong nghiên cứu tiếp. Trong 30 dự án khu vực núi Cô Tiên có 12 dự án phù hợp 100% hoặc 50%.

Trong khi đó, theo ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa, vào thời điểm đó, các nhà đầu tư xin vào nhưng tỉnh không có ngân sách làm quy hoạch 1/2.000 nên cho doanh nghiệp tự lập 1/500 rồi khớp nối lại.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh, lý giải, do những năm trước, khi tỉnh còn khó khăn, có nhà đầu tư đến ai cũng phấn khởi. Khi đó, nhà đầu tư đề xuất thì tỉnh sẽ xem xét. Tuy nhiên, do quy hoạch chưa kịp thời, đầy đủ nên có chệch choạc, sai sót. Vì vậy, tỉnh nhận định việc phát triển dự án chưa phù hợp nên cho các ngành rà soát lại toàn bộ.

Quy hoạch 'băm nát' Nha Trang - Ảnh 2.

Một vụ sạt lở từ dự án Hoàng Phú xuống nhà dân

Nhiều vi phạm về quy hoạch

Theo UBND TP Nha Trang, hiện trên địa bàn có đến 67 dự án đang triển khai, đang thực hiện thủ tục đầu tư tại khu vực đồi núi. Về việc xem xét lập quy hoạch phân khu và các đề xuất lập dự án đầu tư tại các khu vực đồi núi, UBND TP Nha Trang đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ nên xem xét sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang được phê duyệt để đảm bảo sự thống nhất giữa các cấp quy hoạch. 

Thế nhưng, đến nay các động thái của cấp địa phương vẫn chậm so với những mong mỏi của người dân.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, cho biết, các dự án trên núi hầu như không được công khai, chỉ khi thấy chủ đầu tư ồ ạt san lấp núi dân mới hay. Theo quy định, các dự án muốn triển khai phải có quy hoạch và bắt buộc phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường thì mới triển khai các bước tiếp theo. 

Bên cạnh đó, quy hoạch chung của TP Nha Trang không đặt vấn đề xây dựng trên các triền núi. Vậy muốn thực hiện thì phải làm quy hoạch và xin phép.

Cũng theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, quy hoạch chung TP Nha Trang là Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vậy nên, muốn làm dự án thì phải điều chỉnh quy hoạch, phải có ý kiến của Chính phủ. Thế nhưng, thực tế rất nhiều dự án trên núi tại Khánh Hòa toàn do tỉnh quyết, khi chưa xin phép Trung ương.

“Lâu nay, chúng tôi đã nói nhiều về các điều bất cập tại các dự án ở TP Nha Trang. Trong quy hoạch, những dự án ở ven các núi đồi ở Nha Trang về độ cao đều vượt quá Quy hoạch chung TP Nha Trang số 1396 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ. 

Các dự án đều vi phạm kể cả quy hoạch sử dụng đất vì tất cả đều quy hoạch rừng và cây xanh ở khu vực đồi núi. Không hiểu sao, lãnh đạo địa phương biết điều này nhưng vẫn cho làm tràn lan các dự án?”, ông Nguyễn Văn Lộc thông tin thêm.

Văn Ngọc