|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Quỹ đầu tư nào nắm giữ nhiều cổ phiếu ‘họ Vingroup’ nhất?

12:05 | 26/10/2023
Chia sẻ
Ba cổ phiếu “họ Vingroup” là VIC, VHM, VRE bất ngờ giảm kịch sàn trong phiên giao dịch sáng nay (26/10). Theo dõi danh mục đầu tư của các tổ chức cho thấy đây là khẩu vị ưa thích khi được phân bổ tỷ trọng lớn.

Dữ liệu cập nhật ngày 26/10, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 1,085 tỷ cổ phiếu VHM của Vinhomes, tương đương tỷ lệ 24,92% vốn. Tại Vingroup, khối ngoại sở hữu 488,8 triệu cp (12,63%). Tỷ lệ sở hữu khối ngoại cao nhất ghi nhận tại Vincom Retail với 32,53%, tương đương hơn 757 triệu cp.

Thống kê theo từng tổ chức, KKR là quỹ ngoại duy nhất trở thành cổ đông lớn của Vinhomes. Tháng 6/2020, tổ chức thuộc KKR là Viking Asia Holdings II Pte. Ltd. chi ra 650 triệu USD (15.100 tỷ đồng) để mua vào 185,84 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 5,65% vốn. Mức giá mua bình quân thời điểm đó khoảng 81.250 đồng/cp, gần gấp đôi thị giá hiện tại.

Một tổ chức quen mặt trên thị trường Việt Nam là Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) cũng từng là cổ đông lớn của Vinhomes, nhưng đã hạ tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% vào trung tuần tháng 8.

Với quy mô vốn hóa lớn, cổ phiếu “họ Vingroup” là khẩu vị ưa thích của hai công ty quản lý quỹ lớn nhất thị trường là Dragon Capital và VinaCapital. Tại ngày 12/10, quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) phân bổ 4,13% danh mục đầu tư gần 1,8 tỷ USD vào cổ phiếu VHM, tương đương 73,4 triệu USD.

Trong hai năm gần đây, tỷ trọng VHM trong danh mục đầu tư của VEIL có xu hướng giảm. Hiện đứng thứ 8 trong Top10 khoản đầu tư lớn nhất. Trước đó, cả VIC và VHM đều góp mặt trong Top10.

Top10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ VEIL tại ngày 12/10. Nguồn: VEIL.

Tính đến cuối tháng 9, một quỹ thành viên khác thuộc Dragon Capital là CTBC Vietnam Equity Fund cũng phân bổ 4,17% danh muc giá trị gần 21.700 tỷ đồng vào cổ phần của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam thuộc Vingroup.

Với nhóm VinaCapital, thời điểm cuối tháng 9, tỷ trọng mã VHM trong danh mục quỹ VOF là 3,9%, tương ứng quy mô đầu tư khoảng 40 triệu USD.

Nhà quản lý quỹ lạc quan nhất thị trường – ông Petri Deryng cũng phân bổ 12,2% danh mục của Pyn Elite Fund (Phần Lan) vào VHM, xếp ngay sau là VRE ở vị trí thứ ba với 9,3%. Trong tháng 9, VHM và VRE là hai cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến danh mục của Pyn khi mất giá 16,8% và 13,9%.

Danh mục đầu tư của Pyn Elite Fund thời điểm cuối tháng 9. Nguồn: Pyn.

Với quy mô đầu tư khoảng 260 triệu USD, quỹ ngoại JPMorgan Vietnam Opportunities rót 9% vốn vào VHM (vị trí thứ hai trong Top10 khoản đầu tư lớn nhất), VRE đứng ở vị trí thứ 8 với tỷ lệ khoảng 3%.

Tổ chức khác là Lumen Vietnam Fund (quy mô 300 triệu USD) lựa chọn VRE và VHM vào Top10 khoản đầu tư lớn nhất với tỷ lệ 4,25% và 3,56% tính đến giữa tháng 10.

Ngoài những quỹ chủ động trên, nhiều ETF trên thị trường cũng đang cầm nhiều ba mã "họ Vingroup". ETF lớn nhất thị trường đến từ Đài Loan là Fubon FTSE Vietnam ETF có giá trị tài sản ròng hơn 18.600 tỷ đồng, tỷ trọng ba cổ phiếu VHM (9,6%), VIC (8,77%), VRE (4,49%). Cả ba mã nằm trong Top10 khoản đầu tư lớn nhất.

 Top10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất của Fubon FTSE Vietnam ETF. Nguồn: Fubon.

iShares Frontier and Select EM ETF đang nắm giữ gần 8,8 triệu cổ phiếu VIC và 7,7 triệu cổ phiếu VHM, 7,8 triệu cổ phiếu VRE. VNM ETF sở hữu VHM (22 triệu cp), VIC (19,9 triệu cp), VRE (12,5 triệu cp).

Với FTSE Vietnam ETF (quy mô 335 triệu USD), cổ phiếu VHM đứng tỷ trọng đứng thứ hai danh mục với 13,28%, kế đến là VIC (11,76%, vị trí thứ ba) và VRE (4,49%, vị trí thứ 8).

ETF nội đứng thứ hai thị trường là E1VFMVN30 cũng đang nắm giữ hơn 7,4 triệu cổ phiếu VIC với tỷ trọng 4,5%. Quỹ này có quy mô gần 7.100 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các ETF khác tham chiếu rổ VN30 nhưng số lượng không nhiều.

Hoàng Linh