|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

15:09 | 12/11/2018
Chia sẻ
Sau khi nghe trình bày báo cáo, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với gần 100% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. 
quoc hoi phe chuan hiep dinh cptpp
Quốc hội đã thông qua CPTPP vào chiều 12/11. (Nguồn: VnEconomy).

Chiều 12/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, với 469 đại biểu tham gia biểu quyết, 469 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 96,7% đại biểu tham gia quyết, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, đa số các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do khác.

Về việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn, các đại biểu Quốc hội nhất trí trình tự, thủ tục, hồ sơ trình phê chuẩn và thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định CPTPP tuân thủ đúng các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức quốc hội năm 2014, Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Về tính hợp hiến và sự phù hợp với hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ phân công Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát pháp lý Hiệp định CPTPP. Kết quả đã rà soát 265 văn bản quy phạm pháp luật ban hành ở cấp trung ương có hiệu lực tại thời điểm ngày 30/4.

Theo báo cáo của Chính phủ, Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tính toàn diện và tiêu chuẩn cao; các tiêu chuẩn, cam kết của Hiệp định CPTPP về cơ bản tương tự như các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nên yêu cầu về sửa đổi pháp luật là tương đồng.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP của Quốc hội giao Chính phủ và các tổ chức, cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật trong quá trình thực thi Hiệp định và đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.

Đối với các Luật đang và sẽ trình Quốc hội như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm…, Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết của Hiệp định.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số đại biểu nhất trí về đề nghị áp dụng trực tiếp 15 cam kết/ nhóm cam kết của Hiệp định CPTPP theo Hồ sơ trình của Chính phủ.

Và theo Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ, 15 cam kết/ nhóm cam kết đề xuất áp dụng trực tiếp đã bảo đảm đủ rõ và chi tiết để áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Đồng thời, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, UBTVQH đã yêu cầu chi tiết hóa tối đa các nội dung 15 cam kết/nhóm cam kết áp dụng trực tiếp của Hiệp định CPTPP, tại Phụ lục 02 Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP theo hướng trích dẫn cụ thể các Điều, khoản, điểm của Hiệp định và có ghi chú giải thích thuật ngữ nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trực tiếp.

Sau khi nghe trình bày báo cáo, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan với gần 100% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Nghị quyết quyết nghị Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (tên tiếng Anh là Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, sau đây gọi tắt là Hiệp định CPTPP) được ký ngày 8/3/ 2018 tại Cộng hòa Chi-lê.

Nghị quyết giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật tại Phụ lục 3 và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Xem thêm

Thu Hà