Quốc hội dự kiến họp bất thường vào cuối tháng 12, tập trung bàn giải pháp phục hồi kinh tế
Chiều 22/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường và kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, theo TTXVN.
Về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 5 nội dung đã thống nhất.
Cụ thể, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 4 nội dung gồm: Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025; Đề án Thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
Ngoài ra, hiện còn thiếu hồ sơ tài liệu Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các Ủy ban Kinh tế, Tài chính - Ngân sách đang phối hợp với các ủy ban có liên quan để tiến hành thẩm tra.
Về hình thức họp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến cả kỳ. Việc biểu quyết thực hiện qua phần mềm cài đặt trên iPad.
Về thời gian, theo dự kiến sẽ tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 12. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến tháng 12 không còn nhiều, các cơ quan phải tiến hành rất nhiều hoạt động. Trong khi đó, các nội dung trình Quốc hội đều là những vấn đề lớn, phức tạp, cần có thời gian để thẩm tra kỹ lưỡng.
Ông Cường cho biết nếu cả 5 nội dung trên được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong tháng 12 và đủ điều kiện thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội cho tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2022. Dự kiến, tổng thời gian kỳ họp khoảng 4,5 ngày.
Về kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự kiến Quốc hội làm việc 18 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23/5/2022 và bế mạc vào ngày 15/6/2022.
Trong đó, dự kiến sẽ không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ Bảy, Chủ nhật để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua.
Ở kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 8,25 ngày cho công tác lập pháp, xem xét, thông qua 5 dự án luật, một dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án luật. Đồng thời, xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, trong đó vẫn dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn như thông lệ.
Về hình thức họp, Quốc hội dự kiến họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tuy nhiên, dự phòng phương án họp trực tuyến nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nội dung cho ý kiến tại Kỳ họp bất thường là những nội dung khó, phức tạp liên quan đến quốc kế dân sinh, đến tình hình tài chính, kinh tế vĩ mô, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội,…
Do đó, tại kỳ họp bất thường này, nhiều nhất chỉ đưa vào 5 nội dung đã thống nhất với Chính phủ. Ông yêu cầu các cơ quan phải có quyết tâm chính trị rất lớn và nỗ lực cao với tinh thần vào cuộc tối đa, đảm bảo chất lượng Kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh thêm rằng vẫn chưa khẳng định kỳ họp bất thường có được tổ chức hay không bởi việc này phụ thuộc vào công tác chuẩn bị.
Về chuẩn bị cho kỳ họp thường kỳ tháng 5/2022 (kỳ họp thứ 3), Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phát huy tối đa những ưu điểm, kết quả đã đạt được trong các kỳ họp trước để áp dụng triển khai; công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng, theo tinh thần từ sớm từ xa….
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc "bố trí giữa thảo luận và biểu quyết thông qua" cần sắp xếp cân đối thời gian, nội dung nào quan trọng cần phân bổ dành thời gian thích đáng.