|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quảng Trị: Doanh nghiệp 'đắng lòng' vì tiểu ngạch

07:55 | 12/09/2019
Chia sẻ
Khi thị trường Trung Quốc trở nên “khó tính”, nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Quảng Trị lập tức “dính đòn”. Làm sao để vượt qua cơn bĩ cực này?

Phiêu lưu như “tay nằm trên thớt”

Đó là trường hợp của công ty TNHH Thương mại Hảo Non, ở Gio Việt - Gio Linh - Quảng Trị. Đây là một trong những địa chỉ thu mua và xuất khẩu thủy sản có thâm niên ở địa phương.

Mặc dù vậy, nhưng cách thức làm ăn, giao dịch khá phiêu phỏng. Thương lái Trung Quốc chỉ đến một lần “đặt hàng”… bằng miệng, doanh nghiệp này căn cứ vào đó để thu mua thủy sản theo yêu câu rồi trang bị đội xe vận tải chở hàng ra cửa khẩu Móng Cái.

Từ Móng Cái, một người Việt kết hợp với thương lái Trung Quốc nhận hàng rồi lai dắt qua phía bên kia biên giới và xác nhận đơn hàng bằng một cuộc điện thoại, hoặc tin nhắn! Mọi thanh toán giữa hai bên đều thực hiện bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng.

photo-1

Hàng của công ty Hảo Non ứ đọng tại biên giới Việt - Trung

Có nghĩa rằng, một khối lượng hàng hóa hàng trăm tấn, trị giá hàng chục tỷ đồng được giao dịch như “đi mây về gió”. Không có bất cứ hóa đơn chứng từ hoặc hợp đồng nào ràng buộc! Chủ doanh nghiệp này ví “làm ăn kiểu này như tay để trên thớt”!

Anh Lê Hảo, Giám đốc công ty, cho biết: Năm 2007 công ty anh dính quả lừa đắng khi khách hàng “xù” 1,4 tỷ đồng, thời điểm đó số tiền này rất lớn. Từ đầu năm đến nay phía Trung Quốc nâng cao tiêu chuẩn, hàng không bán được, ứ đọng và hư hỏng làm cho công ty “bốc hơi” 5 tỷ đồng”.

Khi thị trường tiểu ngạch Trung Quốc “đóng cửa” doanh nghiệp này quay lại làm ăn ở thị trường trong nước, nhưng càng làm càng lỗ. Anh Hảo dẫn chứng: “Loại cá thố, cá thu sang Trung Quốc bán được giá 170 nghìn đồng/kg, nhưng bán trong nước khoảng 70 - 80 nghìn đồng/kg”.

DSC_0444

Hệ thống máy móc rỉ sét vì công ty gặp khủng hoảng (Ảnh: Khắc Trà)

Khó chồng khó khi sự cố Formosa lan tới, hiện gia đình anh vẫn chưa nhận được tiền đền bù cho 5 tấn cá tồn kho suốt hơn 2 năm, từ 5/2016 đến tháng 8/2018 mới được tiêu hủy. 

Khoảng thời gian quá dài khiến chi phí cất trữ tăng lên, thâm vốn, kho đông lạnh hiện đại trị giá 700 triệu đồng hư hỏng trầm trọng.

Anh than thở: “Trước năm 2016 làm ăn có lãi, không mắc nợ ngân hàng, nhưng hiện nay số nợ lên tới vài tỷ, doanh thu sụt thảm hại, lãi mỗi tháng 50 triệu đồng chưa đủ trả lãi ngân hàng”.

DSC_0442

Kho đông lạnh trị giá 700 triệu đồng hư hỏng nghiêm trọng (Ảnh: Khắc Trà)

Mặc dù nhận nhiều bài học đắt giá, nhưng công ty Hảo Non vẫn muốn tiếp tục làm ăn với phía Trung Quốc. Mong muốn “dán tem mác” cho sản phẩm, muốn làm thủ tục đầy đủ, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu!

Đâu là lối thoát?

Điểm “chết” đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam đó là theo làm ăn bằng đường tiểu ngạch. Hiện nay Trung Quốc đã chấm dứt nhập khẩu bằng con đường này.

Nước này đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch chất lượng hàng hóa quy mô lớn tại khu vực giáp biên với trang thiết bị hiện đại, tối tân, có năng lực kiểm định không thua kém các cơ sở của nước phát triển.

DSC_0425

An toàn vệ sinh là một trong những khâu yếu nhất của thủy sản xuất khẩu (Ảnh: Khắc Trà)

Điều đó có nghĩa, muốn quay lại thị trường tiềm năng này phải bằng con đường chính ngạch. Theo thỏa thuận giữa hai nước. Thủy sản xuất nhập khẩu cần phải đáp ứng 2 điều kiện:

Một là, sản phẩm thủy sản phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong danh sách được phép xuất khẩu do Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp) công nhận. Hai là, từng lô hàng thủy sản khi xuất khẩu phải kèm theo Chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan này cấp.

Đồng thời, thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), bao bì đóng gói phải có tiếng Trung và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc.

Về C/O, tùy theo chủng loại hàng hóa do 2 cơ quan là Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp chứng nhận. Đáng chú ý, với con đường chính ngạch, phía Trung Quốc đã công bố 33 mặt hàng miễn thuế.

Phần còn lại thuộc về tâm thế của người kinh doanh, nếu muốn ổn định phải thay đổi, chấm dứt thói quen hám lợi trước mắt mà tự đặt mình vào tình thế khó khăn.

Đối với doanh nghiệp nhỏ ở tỉnh lẻ để hoàn thành bộ hồ sơ nêu trên là vấn đề không hề đơn giản, ngoài chi phí tiền bạc, còn là thời gian, sự hiểu biết về pháp luật. Vậy, cơ quan nào có trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp?


Dương Khắc Trà