Quảng Ninh tìm chủ đầu tư cho casino Vân Đồn hơn hai tỉ USD
Theo thông tin từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh vừa công bố thông tin tòm chủ đầu tư cho Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn.
Dự án sẽ được triển khai tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Tổng vốn đầu tư (chưa bao gồm chi phí GPMB) dự án là 46.595 tỉ đồng (tương đương hơn 2 tỉ USD). Hiện khu đất đã giải phóng mặt bằng.
Theo tìm hiểu, Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn được duyệt qui hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 vào năm 2016.
Theo đó, dự án có diện tích trên 2.500 ha, trong đó, khu vực thuộc đảo Cái Bầu có diện tích 2.087 ha, khu vực đảo Trà Ngọ 448,5 ha. Thời gian xây dựng dự kiến 10 năm từ 2017 - 2027.
Tháng 3/2017, trong một văn bản gửi các cơ quan xin ý kiến tham gia hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 47.481 tỉ đồng.
Trong đó, chi phí xây dựng là 27.856 tỉ đồng; chi phí thiết bị 9.350 tỉ đồng và lãi vay 5.826 tỉ đồng. Dự án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 với vốn đầu tư gần 23.023 tỉ đồng và giai đoạn 2 dự kiến phân bổ trên 24.459 tỉ đồng.
Tổng vốn đầu tư sẽ được huy động từ hai nguồn chính. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là CTCP Mặt Trời Vân Đồn (thuộc Sungroup) chiếm 15%. Còn 85% tổng vốn đầu tư còn lại sẽ vay từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), chi nhánh Hà Nội theo tiến độ dự kiến từ quí II/2017 đến hết quí IV/2021.
Đến tháng 2/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức trình Thủ tướng hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án trên.
Lúc này, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 46.500 tỉ đồng, qui mô sử dụng đất khoảng 445 ha, thời gian hoạt động 70 năm.
Mục tiêu của dự án là kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh casino, xây dựng và kinh doanh sân golf, kinh doanh bất động sản, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, hoạt động thể thao giải trí.
Với số vốn đầu tư trên, nhà đầu CTCP Mặt Trời Vân Đồn góp vốn tự có khoảng 6.900 tỉ đồng, 39.600 tỉ đồng còn lại sẽ được huy động từ các ngân hàng trong và ngoài nước.
Để bảo đảm nguồn vốn đầu tư dự án, theo yêu cầu của các bộ Công thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, CTCP Mặt Trời Vân Đồn đã cung cấp thư cam kết tín dụng của 8 ngân hàng chấp thuận về mặt nguyên tắc cấp tín dụng cho dự án với tổng hạn mức tín dụng trên 41.300 tỉ đồng.
Các ngân hàng cam kết cấp tín dụng cho đầu tư casino Vân Đồn theo hồ sơ dự án gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank); Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank); Ngân hàng Công thương Trung Quốc, chi nhánh Hà Nội; Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Quốc dân Việt Nam.
Theo Quyết định chính thức phê duyệt điều chỉnh Qui hoạch xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 2/2020, Vân Đồn được xác định là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp, là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Cấu trúc phát triển không gian KKT Vân Đồn chia theo hai vùng, gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, được định hướng thành 5 vành đai phát triển: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; vành đai đô thị dịch vụ, văn hóa và vui chơi giải trí; vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần; vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây.