Quảng Ninh, Thanh Hóa lọt top có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh trong tháng 11
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của cả nước trong tháng 11 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước, tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; Ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ; Sản xuất và phân phối điện tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo ước tính tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,7%); ngành sản xuất và phân phối điện ước tăng 3,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,2%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 3,0% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4%); riêng ngành khai khoáng ước giảm 6% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,1%).
Hoạt động sản xuất, nhất là tại các tỉnh, thành tập trung phần lớn các hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng của cả nước như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Hà Nội... đã có những chuyển biến tích cực.
Tại hầu hết các địa phương, đặc biệt là tại TP HCM và các tỉnh phía Nam sản xuất đã khôi phục trở lại, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 của Quảng Ninh ước tăng 19,17%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Quảng Ngãi tăng 16,11%; Thừa Thiên Huế tăng 9,12%; Cần Thơ tăng 6,77%; Đồng Nai tăng 6,9%... đã góp phần vào sự phục hồi sản xuất công nghiệp của cả nước.
Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II ước tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại ước tăng 23,4%; sản xuất xe có động cơ ước tăng 10,7%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành ước giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, như: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,9%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 8,5%; Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 10,4%; sản xuất đồ uống giảm 3,9%...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 11 tháng năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 35,4%; sắt thép thô tăng 10,7%; phân DAP tăng 30,9%; Xăng dầu các loại tăng 13,3%; sữa bột tăng 12,6%.
Ngược lại, một số sản phẩm tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: Ti vi các loại ước giảm 40,3%; Khí đốt thiên nhiên dạng khí ước giảm 18,4%; Dầu thô ước giảm 5%; Bia các loại ước giảm 7,8%.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11 đã từng bước phục hồi.
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn. Các DN sản xuất ở trong khu, cụm CN trở lại hoạt động chiếm tỷ lệ cao hơn so với các DN ngoài khu, cụm CN, tương ứng với đó thì tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc ở khu, cụm CN cũng cao hơn (ví dụ như ở Đồng Nai, số DN trở lại hoạt động trong khu CN đạt 99% và người lao động trở lại làm việc đạt 88%, trong khi đó các DN ngoài khu CN con số này là 83,5% và 65,5%). Điều này cho thấy sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài khu CN đang rất khó khăn.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng công nghiệp vẫn thấp hơn so với cùng kỳ chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Căn cứ vào số liệu 11 tháng, khả năng năm 2021 chỉ số phát triển SXCN của cả nước chỉ tăng khoảng 4-5% thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch (tăng 8-9%).