|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quảng Ninh đấu thầu tìm chủ cho dự án điện khí LNG 2 tỷ USD

15:05 | 03/07/2021
Chia sẻ
Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh có quy mô gần 56 ha, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 47.350 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD).

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh vừa công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần tìm nhà đầu tư đối với Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.

Cụ thể, dự án được xây dựng tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả với tổng diện tích gần 56 ha, trong đó 42,51 ha đất và 13,38 ha mặt nước (chưa bao gồm vùng nước trước bến, luồng và khu quay trở tàu).

Cụ thể, đất xây dựng nhà máy điện và kho chứa LNG có diện tích 42,51 ha, trong đó khu vực kho lưu trữ và tái hóa khí 9,74 ha; khu vực xây dựng nhà máy điện 32,77 ha. Còn diện tích mặt nước 13,38 ha gồm hành lang tuyến ống cấp khí và xả nước làm mát 9,56 ha; bến cảng LNG 1,45 ha và hành lang tuyến ống cấp nước làm mát 2,37 ha.

Hiện trạng khu đất chưa giải phóng mặt bằng. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 47.350 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD). Thời hạn hoạt động 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất.

Về tiến độ, trong quý I/2022, nhà đầu tư được chọn sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; từ quý II/2022 đến quý II/2027 triển khai đầu tư xây dựng và đưa dự án vào hoạt động khai thác trong quý III/2027.

Về quy mô đầu tư, nhà máy điện khí bao gồm một nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW; sân phân phối 500 KV với quy mô đảm bảo truyền tải hết công suất 1.500 MW của nhà máy điện; các công trình HTKT phục vụ nhà máy điện.

Cảng và kho LNG bao gồm: Bến nhập LNG đáp ứng quy mô sản lượng thông qua cảng 2,4 triệu tấn LNG/năm; khu tái hóa khí phục vụ nhà máy điện khí với công suất 1.500 MW; các thiết bị và hạng mục phụ trợ.

Dự án sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Quảng Ninh đấu thầu tìm chủ cho dự án điện khí LNG 2 tỷ USD - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Khải An).

Trước đó, tháng 10/2020, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Đây là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc.

Đến tháng 12/2020, tổ hợp nhà đầu tư bao gồm: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), CTCP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi), Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đã ký biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. 

Hà Lê