Quân đội Myanmar xả súng vào đám tang người biểu tình, Tổng thống Mỹ cực lực lên án
Các nhân chứng nói với Reuters rằng cảnh sát Myanmar đã xả súng vào lễ tang ngày 28/3 được tổ chức cho Thae Maung Maung, một sinh viên 20 tuổi.
Một người phụ nữ tên Aye có mặt tại lễ tang cho biết: "Khi chúng tôi đang hát bài hát cách mạng cho cậu ấy thì lực lượng an ninh xuất hiện và xả súng. Mọi người tháo chạy trước làn đạn".
Hiện chưa có báo cáo về số người thiệt mạng trong cuộc tấn công trên. Cũng trong ngày 28/3, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị báo cáo có 12 người khác bị giết trong các cuộc trấn án ở nhiều nơi tại Myanmar, nâng tổng số trường hợp tử vong của dân thường từ sau cuộc đảo chính lên 459 người.
Truyền thông địa phương đưa tin rằng hàng nghìn dân làng ở khu vực biên giới đã chạy sang Thái Lan sau các cuộc không kích của quân đội vào một số nhóm vũ trang dân tộc.
Chưa có báo cáo nào về các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Yangon hoặc Mandalay, hai thành phố gánh chịu nhiều thương vong nhất trong ngày 27/3. Nhưng người dân ở Mandalay đã bao vây một đồn cảnh sát sau khi 5 ngôi nhà trong khu vực bị thiêu rụi.
Ít nhất 6 trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 16 đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của lực lượng an ninh ngày 27/3, theo các bản tin và các nhân chứng.
Kêu gọi cô lập
Phương Tây nhanh chóng lên án cuộc đổ máu diễn ra vào cuối tuần trước. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc nói rằng quân đội Myanmar đang "giết người hàng loạt" và kêu gọi thế giới cô lập, ngừng bán vũ khí cho chính quyền quân sự nước này.
AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ngày 28/3: "Đây là sự tàn bạo tột cùng. Theo những thông tin mà tôi nhận được, rất nhiều người đã bị giết hại một cách không cần thiết".
Cho tới nay, các chỉ trích từ nước ngoài và lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đã không thể lay chuyển được các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar. Các cuộc biểu tình ở Myanmar diễn ra gần như mỗi ngày kể từ khi quân đội đảo chính và bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.
Các cuộc giao tranh ác liệt cũng nổ ra giữa quân đội Myanmar và một số nhóm vũ trang dân tộc. Ít nhất ba thường dân đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của quân đội vào một ngôi làng chịu kiểm soát của lực lượng vũ trang nổi dậy Liên minh Quốc gia Karen ngày 27/3, một nhóm ủng hộ xã hội dân sự cho biết.
"Rỗng tuếch"
Nhiều nước phương Tây bao gồm Mỹ, Anh và châu Âu lên án mạnh mẽ bạo lực tại Myanmar.
Văn phòng Ngoại giao Anh khuyến cáo tất cả người Anh rời Myanmar càng sớm càng tốt. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đăng trên Twitter: "Chúng tôi sẽ không dung thứ cho hành động tàn bạo của quân đội đối với người dân Myanmar".
Ông Tom Andrews, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc cho rằng chính quyền quân sự Myanmar nên bị cắt khỏi các nguồn tài trợ như nguồn thu từ dầu khí và khả năng tiếp cận vũ khí.
"Nói thẳng, những chỉ trích hay quan ngại của các nước chỉ là lời rỗng tuếch đối với người dân Myanmar khi quân đội tiến hành các vụ thảm sát nhắm vào họ", ông Andrews nói.
Quân đội Myanmar đảo chính với lý do cuộc bầu cử tháng 11 mà đảng của bà Suu Kyi chiến thắng đã có gian lận. Bà Suu Kyi và nhiều thành viên khác cùng đảng đang bị giam giữ.