Quá nhanh quá nguy hiểm: Mối đe dọa khổng lồ có thể hủy hoại Zara
Zara nổi tiếng là một nhãn hàng tiên phong trong mảng fast fashion (thời trang nhanh) với việc nhanh chóng đưa ra những phong cách mới. Tuy nhiên mới đây, hãng này vừa bị đánh bại bởi các thương hiệu trực tuyến có thể thiết kế một sản phẩm và bầy lên kệ chỉ trong một tuần, theo một nghiên cứu mới của Fung Global Retail & Technology.
Có thể nói Zara đã phát minh ra khái niệm thời trang nhanh. |
Các nhãn hàng trực tuyến như ASOS, Boohoo và Missguided, chuyên về thời trang và giá cả phải chăng cho người trẻ, đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để tiếp tục xu hướng. Những nhãn hiệu này hợp lý hóa chuỗi cung ứng của mình và đưa sản xuất đến gần các thị trường trọng điểm, giúp đẩy nhanh quá trình thiết kế và sản xuất.
Theo báo cáo, ASOS phải mất từ 2 và 8 tuần để có được một sản phẩm từ lúc còn là khái niệm đến lúc bán. Tuy nhiên, Boohoo mất 2 tuần và Misguided chỉ mất 1 tuần, vượt qua con số 5 tuần từng được coi là rất nhanh của Zara và bỏ xa H&M (có thể mất đến 6 tháng để tạo ra sản phẩm mới).
Misguided chỉ mất 1 tuần để mang sản phẩm mới lên kệ. |
"Thời trang nhanh đang trở nên siêu nhanh”, bản báo cáo nói. Mô hình kinh doanh độc đáo từng giúp Zara và H&M thành công này giờ đây lại trở thành vấn đề đối với các chuỗi này. Các nhãn hàng trực tuyến cũng liên tục làm mới các sản phẩm của mình để thúc đẩy tần suất khách hàng.
Và có vẻ như họ đang thành công. Boohoo, ra mắt năm 2006 tại Anh, tăng doanh số bán hàng lên 51% trong năm kết thúc vào tháng 2/2017. ASOS, được tung ra vào năm 2000, tăng doanh thu 26% vào năm 2016. Missguided, thành lập năm 2009, tăng doanh số bán hàng lên 75% trong năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2017.
Các nhãn hiệu này cũng có một "chuỗi cung ứng nhanh", báo cáo cho biết. Thiết kế ban đầu được sản xuất theo lô nhỏ, và nếu được ưa chuộng sẽ tung ra nhiều hơn. Tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng là chìa khóa thành công. Trong những kết quả gần đây nhất, H&M công bố lợi nhuận ròng giảm 3% và CEO Karl-Johan Persson cho biết sẽ đầu tư đáng kể vào việc tăng tốc chuỗi cung ứng để theo kịp tốc độ thay đổi của nhu cầu.
Cuối cùng, các nhà bán lẻ trực tuyến cũng sử dụng chiến thuật của Zara để giữ sản xuất gần với trụ sở chính và tại các thị trường quan trọng. Theo báo cáo, Inditex, công ty mẹ của Zara, lấy nguồn 60% sản phẩm của mình ở châu Âu. Tương tự, Boohoo cũng nhập trên 50% sản phẩm của mình từ Anh.