|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Pyn Elite Fund mất hơn 300 triệu USD khi thị trường lao dốc, ông Petri chia sẻ cách động viên nhân viên những phiên đỏ lửa: ‘Nó cũng chỉ là tiền thôi mà, không có gì lớn’

07:28 | 29/09/2022
Chia sẻ
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fun – ông Petri Deryng là một nhân vật quen thuộc với việc thường xuyên đưa ra những phân tích, dự báo về thị trường. Đặc biệt mỗi khi thị trường biến động mạnh, cảm nhận mang tính tích cực của nhà quản lý quỹ này luôn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

 Ông Petri Deryng chia sẻ trong chương trình Bí mật đồng tiền. Ảnh: BMDT.

Trong chương trình Bí mật đồng tiền do VTV phát sóng trưa ngày 28/9, ông Petri Deryng đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện đầu tư tại Việt Nam cũng như góc nhìn liên quan đến vĩ mô, ngành ngân hàng, bất động sản.

Chia sẻ về chặng đường đầu tư của mình, ông Petri cho biết đã mua cổ phiếu từ năm 13 tuổi bằng tiền của bố mẹ sau đó tự học, tìm hiểu về cổ phiếu. Nhà quản lý quỹ của Pyn nghiên cứu về kinh tế vĩ mô và những cuộc khủng hoảng.

Trước khi đến với công việc quản lý quỹ, ông Petri làm việc trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình. “Tôi có những người làm việc thú vị cùng, tôi làm điều hành chương trình radio ở Phần Lan. Nhiều khi tôi cảm thấy khó khăn để kiếm tiền, tôi phải làm nhiều hơn. Tôi thấy sống thế không ổn lắm nên cố gắng kiếm được giấy phép để được làm quản lý quỹ và tôi thành công”, ông chia sẻ về lý do rẽ từ lĩnh vực truyền thông sang.

“Khi tôi làm ở cơ quan truyền thông, tôi cũng rất tò mò nhưng dần dần tôi cũng học kinh nghiệm. Bây giờ trong lĩnh vực quản lý quỹ tôi cũng hay tìm tòi, tìm hiểu, thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nhiều nhà quản lý quỹ làm việc ở ngân hàng hay một số quỹ khác. Nhưng đối với tôi, tôi luôn tìm hiểu về thị trường và làm công việc chính của tôi, làm cả ngày”, ông Petri nói thêm.

Đó là những chia sẻ về cơ duyên chuyển từ lĩnh vực truyền thông sang quản lý quỹ của ông Petri Deryng. Nhưng khi đầu tư, đặc biệt với những “cá mập” với quy mô tài sản lên tới hàng tỷ USD, việc giữ được trạng thái ổn định mỗi khi thị trường rung lắc mạnh có lẽ rất cần thiết. Bởi vậy câu hỏi nhà đầu tư quan tâm đó là những nhà quản lý quỹ thường làm gì mỗi khi thị trường điều chỉnh sâu, sắc đỏ bao trùm.

Đầu năm 2022, tài sản thuộc quyền quản lý của quỹ Pyn Elite Fund lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 tỷ USD khi hầu hết các cổ phiếu đều tăng giá mạnh. Nhưng đến thời điểm hiện tại, quy mô tài sản của quỹ đã giảm khoảng 300 triệu USD, tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng. Nhà quản lý quỹ của Pyn đã nghĩ như thế nào?

Chia sẻ về công việc theo dõi danh mục đầu tư, ông Petri cho biết hiếm khi theo dõi thị trường, nhưng nếu ở văn phòng thì mỗi giờ sẽ xem thị trường một lần.

“Khi thị trường rất tồi tệ, tôi là người cố gắng làm cho mọi người vui lên, đừng lo lắng quá về thị trường bởi vì mình có kinh nghiệm lâu dài, thậm chí còn cười trong những ngày tồi tệ. Mình nói nó cũng chỉ là tiền thôi mà, không có gì lớn”, người đứng đầu Pyn Elite Fund chia sẻ.

Ngay khi lên sóng chia sẻ trực tiếp, tối hôm qua (28/9) nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund vừa gửi báo cáo cho các nhà đầu tư với đại ý rằng “sau cơ mưa trời lại sáng”. Báo cáo này được gửi đi trong bối cảnh thị trường giảm sâu, VN-Index phá vỡ vùng đáy cũ và đóng cửa ở mức điểm thấp nhất trong khoảng 20 tháng nay.

Cơ sở để ông Petri đưa ra quan điểm đó đựa trên lịch sử đầu tư của quỹ ở các thị trường như Trung Quốc, Thái Lan trong mỗi cuộc khủng hoảng. Thị trường chứng khoán Việt Nam được nhấn mạnh với mức định giá “quá rẻ” nhưng vì tâm lý toàn cầu yếu cộng với các yếu tố bất ổn điển hình như việc tăng lãi suất khiến các cổ phiếu bị ảnh hưởng.

Trở lại với buổi chia sẻ trực tiếp, khi nói về vĩ mô ở Việt Nam, nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund cho biết một số yếu tố vẫn rất mạnh, không làm thay đổi quan điểm của quỹ đầu tư này, vấn đề lãi suất tăng lên ở Việt Nam cũng không đáng lo ngại.

Vị lãnh đạo với nhiều năm gắn bó với chứng khoán Việt Nam lý giải việc vĩ mô Việt Nam tốt hơn nhiều so với toàn cầu ngay trong những cuộc khủng hoảng. Ví dụ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009, xuất khẩu của Việt Nam giảm 9% nhưng GDP tăng 5%.

Lý giải trong giai đoạn hiện tại, Mỹ và các quốc gia châu Âu tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Nhưng ở Việt Nam lãi suất luôn cao, nên việc tăng không thay đổi nhiều.

“Tôi nghĩ mùa thu năm nay sẽ là thời gian khó khăn cho các nhà đầu tư nhưng không đến mức suy thoái. Nếu chúng ta nhìn 12 tháng tới sẽ rất khả quan và hết con hổ mình sẽ sang con thỏ. Đây là một trong những thị trường tốt nhất trên thế giới”, ông lần nữa ông Petri gửi thông điệp tích cực đến nhà đầu tư trên thị trường.

Lợi Hoàng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.