Pyn Elite Fund có kết quả đầu tư kém nhất 8 tháng
Hiệu suất đầu tư âm trong tháng 10 đã đánh dấu ba tháng liên tiếp Pyn Elite Fund sụt giảm giá trị tài sản ròng, kéo hiệu suất đầu tư của quỹ tại thị trường Việt Nam chuyển từ dương 4,11% (luỹ kế 9 tháng đầu năm) sang âm 6,85% (luỹ kế 10 tháng đầu năm).
10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục vẫn là những cái tên quen thuộc gồm STB, VHM, CTG, VRE, TPB, HDB, ACV, MBB, VEA và chứng chỉ quỹ VN-Finlead, chiếm gần 83% danh mục.
Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan cho biết thị trường trở nên biến động hơn khi VND mất giá 3,7% so với USD trong ba tháng, làm dấy lên lo ngại Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện các hành động để bảo vệ tiền đồng trong bối cảnh triển vọng lãi suất không chắc chắn của Fed.
Bên cạnh đó, việc bán tháo trở nên trầm trọng hơn bởi các hoạt động phòng ngừa rủi ro của các trái chủ, những người đã tìm cách phòng ngừa các vị thế sau khi đăng ký mua 250 triệu USD trái phiếu quốc tế có thể hoán đổi thành cổ phiếu VHM do Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã: VIC) phát hành. Thị trường tiêu cực hơn còn do sự thất vọng về kết quả quý III của một số công ty niêm yết.
Về tình hình vĩ mô, số liệu thương mại đánh dấu tháng tăng trưởng dương thứ hai sau 8 tháng sụt giảm với xuất khẩu và nhập khẩu tháng 10 tăng lần lượt 5,9% và 5,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng trong tháng 9.
Sản xuất công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 10/2022. FDI đăng ký tăng 15% so với cùng kỳ lên 25,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, dẫn đầu là FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất (tăng 46% so với cùng kỳ và chiếm 73% tổng vốn FDI).
Lãi suất tiền gửi tháng 10 đã giảm sâu hơn, thậm chí thấp hơn mức ở giai đoạn dịch COVID-19 và tỷ lệ cho vay đã giảm khoảng 300 điểm cơ bản. Trong tháng 10, Chính phủ đề xuất gia hạn chương trình cắt giảm VAT đến tháng 6/2024.