|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVN và PVC đang đàm phán gia hạn bảo hành thiết bị Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

14:22 | 04/09/2018
Chia sẻ
Thời gian bảo hành các thiết bị tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang có nguy cơ hết hạn vào tháng 11 năm nay, PVN và PVC đang đàm phán kéo dài cho phù hợp tiến độ dự án. Bên cạnh đó PVN đã đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết dòng tiền, đưa dự án vận hành trong thời gian sớm nhất có thể. 

Theo quy định của hợp đồng đã ký, thời gian bảo hành các thiết bị tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (NMNĐ Thái Bình 2) sẽ hết hạn vào tháng 11/2018. Tuy nhiên phía Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đang đàm phán với nhà cung cấp thiết bị để gia hạn thời hạn bảo hành, phù hợp với tiến độ của dự án.

Bên cạnh đó, PVN cũng đã huy động nguồn lực từ các đơn vị thành viên của Tập đoàn như Liên doanh Việt Nga – Vietsovpetro, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), Trường Cao Đẳng Dầu khí (PVMTC)… về kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng thiết bị trực tiếp đến công trường xây dựng NMNĐ Thái Bình 2 hỗ trợ Tổng thầu PVC thường xuyên kiểm tra và bảo trì thiết bị, chuẩn bị sẵn sàng cho công tác chạy thử và vận hành nhà máy.

Trong đợt khảo sát hiện trạng thiết bị, máy móc đã lắp đặt tại NMNĐ Thái Bình 2, Nhà thầu Dealim (Hàn Quốc) đã đánh giá tổng thể các thiết bị chính của hai tổ máy và khẳng định các thiết bị chính tại NMNĐ Thái Bình 2 hoàn toàn đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật, tuân thủ các khuyến cáo của Nhà sản xuất.

pvn va pvc dang dam phan gia han bao hanh thiet bi nha may nhiet dien thai binh 2
Công trường thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Hiện khối lượng công việc còn lại để hoàn thành dự án NMNĐ Thái Bình 2 còn 17%, tuy nhiên do một số vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án như năng lực tài chính của Tổng thầu ngày càng yếu, việc chuyển đổi hình thức Hợp đồng EPC từ trọn gói sang hỗn hợp cũng gặp một số khó khăn và cần có sự hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Một số cơ chế để tháo gỡ dòng tiền cho dự án nói chung và cho PVC nói riêng cũng cần sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền (Tập đoàn Dầu khí đã có báo cáo cụ thể tới các cấp) dẫn đến tiến độ thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Phía PVN đã đưa ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ dòng tiền cho dự án và PVC, nhằm mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong thời gian sớm nhất.

Giải pháp đầu tiên là phải áp dụng linh hoạt cơ chế tạm thanh toán và thanh toán cho tổng thầu PVC bao gồm điều chỉnh mốc thanh toán, điều chỉnh tỷ lệ tạm ứng, thu hồi tạm ứng…

Đối với các hạng mục công việc do tổng thầu PVC và các nhà thầu phụ triển khai chậm hoặc không triển khai, chủ đầu tư đã thực hiện cắt giảm phạm vi công việc và giao cho đơn vị có đủ năng lực thực hiện. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giao ban QLDA trực tiếp tham gia cùng PVC đàm phán với nhà thầu cung cấp thiết bị về gia hạn bảo lãnh, bảo hành, công tác vận hành, chạy thử…

Dự án NMNĐ Thái Bình 2 với quy mô công suất 1.200 MW do PVN làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận là 41.799 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp trên 7,8 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia.

pvn va pvc dang dam phan gia han bao hanh thiet bi nha may nhiet dien thai binh 2
Thái Bình 2 đã hoàn tất đóng điện sân phân phối 220kV.

Đến nay, tiến độ tổng thể dự án đạt khoảng 83% trong đó công tác thiết kế đạt 99,54%; công tác mua sắm thiết bị, vật tư đạt 91,5%; công tác gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,56% và công tác thi công xây dựng đạt 78,45%.

Hầu hết các hạng mục xây dựng chính của NMNĐ Thái Bình 2 đều đã hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện. Về công tác chuẩn bị phát điện, dự án đã hoàn tất các hạng mục công việc liên quan đến công tác đóng điện ngược sân phân phối (SPP) 220kV và vận hành SPP 220kV ổn định, an toàn. Hoàn thành quy trình phối hợp vận hành giữa Nhà máy nhiệt điện Thái Bình (của EVN) và NMNĐ Thái Bình 2.

Xem thêm

Đông A

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.