PVN muốn tăng vốn và đầu tư điện gió ngoài khơi
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có kiến nghị với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về việc tăng vốn điều lệ.
Theo Zing, đại diện PVN cho biết thời gian vừa qua, tập đoàn thường xuyên báo cáo Ủy ban về các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tiếp tục chịu tác động từ dịch COVID-19, các kế hoạch kinh doanh dự kiến gặp nhiều khó khăn, PVN kiến nghị Ủy ban đẩy nhanh xử lý các vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Hiện vốn điều lệ của PVN là 281.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, PVN cũng kiến nghị Ủy ban xem xét phê duyệt sớm kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 để có cơ sở đôn đốc, giám sát các nhà thầu dầu khí, các đơn vị thành viên. Xem xét thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tập đoàn.
Đáng chú ý, PVN cũng kiến nghị Ủy ban ủng hộ và hỗ trợ trình Chính phủ cho phép tập đoàn này tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (trọng tâm là điện gió ngoài khơi); sớm quyết toán cổ phần hóa ba đơn vị: Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR), PV OIL (Mã: OIL), PV Power (Mã: POW); và tiếp tục hỗ trợ tập đoàn về các thủ tục đầu tư của dự án Lô B, Sao Vàng - Đại Nguyệt…
Cuối năm 2021, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS), đơn vị thành viên của PVN đã được cổ đông thông qua tờ trình bổ sung ngành nghề kinh doanh bao gồm: sản xuất điện; truyền tải và phân phối điện; xây dựng các công trình công nghiệp - năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy triều); xây dựng công trình khác không phải nhà... vào ngành nghề kinh doanh chính của PVS.
Với việc bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh, PVS hiện là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn PVN có đầy đủ chức năng, cơ sở pháp lý để thực hiện công tác đầu tư, phát triển và vận hành khai thác các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Về SCIC, đại diện SCIC cũng đề nghị Uỷ ban xem xét cho phép tăng vốn điều lệ theo quy định của Thông tư 36/2021 và tiếp tục tăng vốn điều lệ cho SCIC theo lộ trình trong chiến lược đang trình Thủ tướng phê duyệt. Hiện SCIC có vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế hoạt động, SCIC kiến nghị cho phép HĐTV của đơn vị và các doanh nghiệp Nhà nước được ra quyết định đầu tư trong việc phê duyệt chiến lược, kế hoạch phát triển 5 năm; đánh giá hiệu quả đầu tư trên cơ sở toàn bộ danh mục đầu tư; cho phép SCIC đánh giá tổng kết mô hình hoạt động hiện nay và xây dựng đề án chuyển đổi hoạt động sang mô hình quỹ đầu tư Chính phủ…