|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVN cùng các bên ký thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án Lô B - Ô Môn

21:22 | 28/03/2024
Chia sẻ
Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn có quy mô rất lớn với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ USD, bao gồm nhiều dự án thành phần với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Lễ Ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án Lô B. (Nguồn: PetroTimes).

Theo thông tin từ Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam, ngày 28/3/2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) cùng các đối tác tổ chức Lễ ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn.

Thỏa thuận được ký kết gồm ba nội dung chính: Hợp đồng mua bán khí (GSPA) Lô B; Hợp đồng vận chuyển khí (GTA) Lô B; Hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA) giữa Các Chủ mỏ và Chủ Vận chuyển.

Đối với Hợp đồng mua bán khí, bên bán là các chủ mỏ gồm PVN, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí - PVEP, Công ty MOECO (Nhật Bản), Công ty PTTEP (Thái Lan). Bên mua là PVN. Lượng khí Lô B mỗi năm được các bên cam kết giao nhận khoảng 5,06 tỷ m3 trong giai đoạn bình ổn.

Đối với Hợp đồng vận chuyển khí (GTA), PVN thuê các chủ vận chuyển (gồm PV Gas, PVN, Công ty MOECO, Công ty PTTEP) theo các điều khoản, điều kiện cam kết, nhằm vận chuyển toàn bộ lượng khí Lô B (khoảng 5,06 tỷ m3/năm) về bờ, qua trạm tiếp bờ tại Kiên Giang và tuyến đường ống trên đất liền từ Kiên Giang về Ô Môn (Cần Thơ).

Đối với Hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA) giữa các chủ mỏ (gồm PVN, PVEP, MOECO, PTTEP) và chủ vận chuyển (gồm PV Gas, PVN, MOECO, PTTEP), đây là hợp đồng dịch vụ để đấu nối các trang thiết bị của chủ vận chuyển với giàn khai thác khí Lô B và chủ mỏ sẽ có trách nhiệm cung cấp dịch vụ liên quan để hỗ trợ chủ vận chuyển trong suốt thời hạn hợp đồng.

Lượng khí Lô B sau khi về đến bờ sẽ được PVN phân bổ và cung cấp cho các Nhà máy điện tại khu vực Ô Môn. Hợp đồng bán khí Lô B giữa bên bán (PVN) với bên mua (Tổng Công ty Phát điện 2 - EVNGENCO2) sẽ cung cấp một phần khí Lô B cho Nhà máy điện Ô Môn I, với lượng khí mỗi năm khoảng 1,265 tỷ m3 trong giai đoạn bình ổn.

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn có quy mô rất lớn với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ USD, bao gồm nhiều dự án thành phần (dự án phát triển thượng nguồn, dự án đường ống và các dự án nhà máy điện ở hạ nguồn). Dự án có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư từ các đối tác nước ngoài Nhật Bản và Thái Lan như MOECO, PTTEP, Marubeni đến các nhà đầu tư Việt Nam như PVN, PVEP, PV Gas, EVNGENCO2, WTO.

Trong đó, Lô B, 48/95 và 52/97 (gọi tắt là Lô B) nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu vùng thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300 km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400 km, với độ sâu nước biển khoảng 77 m.

Toàn bộ nguồn khí Lô B khai thác sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn, TP Cần Thơ cung cấp khí cho các Nhà máy điện Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV (với tổng công suất khoảng 3.810 MW), có thể cấp bù khí cho khu vực Cà Mau.

Trong giai đoạn bình ổn, Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 22 tỷ kWh điện đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 30/10/2023, các bên liên quan trong chuỗi dự án đã ký kết các Thỏa thuận khung, các Biên bản thỏa thuận và trao thầu gói thầu số 1 EPC thượng nguồn. 

Ngọc Anh