PV Power vượt mục tiêu lợi nhuận năm chỉ trong 6 tháng
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power - Mã: POW) vừa công bố chi tiết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 16.456 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế (LNST) ước đạt 1.393 tỷ đồng, tăng khoảng 2%.
Năm 2021, PV Power đặt kế hoạch doanh thu toàn tổng công ty 28.430 tỷ đồng, lợi nhuận 1.325 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện được khoảng 58% mục tiêu doanh thu năm và vượt 5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính riêng trong quý II, doanh thu toàn công ty đạt 8.795 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, LNST là 827 tỷ đồng, giảm khoảng 2%.
Theo PV Power, có ba nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến kết quả doanh thu. Đầu tiên là sản lượng điện sản xuất của một số nhà máy vượt kế hoạch, trong đó nhà máy điện Vũng Áng 1 trong 6 tháng đầu năm chào giá vận hành liên tục hai tổ máy nên sản lượng điện vượt kế hoạch 6%.
Hai nhà máy thủy điện là Đakđrinh và Hủa Na do điều kiện thuận lợi về thủy văn nên sản lượng điện và doanh thu đều vượt kế hoạch. Ngoài ra, PV Power DHC được nhận khoản doanh thu chênh lệch tỷ giá năm 2018 với giá trị hơn 33 tỷ đồng (tháng 5/2021).
Nguyên nhân thứ hai là đơn giá điện hợp đồng của các nhà máy điện khí cao hơn kế hoạch do đơn giá nhiên liệu khí trong 6 tháng đầu năm tăng cao. Cuối cùng là tổng công ty ghi nhận khoản thu nhập tài chính từ bán cổ phần tại PV Machino, lãi khoảng 358 tỷ đồng.
Về sản lượng điện sản xuất 6 tháng đầu năm, đạt 9.488 triệu kWh, tương ứng 96% kế hoạch 6 tháng năm nay và giảm 13% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản lượng điện 6 tháng đầu năm chưa đạt theo kế hoạch được ĐHĐCĐ giao do tại nhà máy điện Nhơn Trạch 2, các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió) được ưu tiên huy động nên kế hoạch huy động của nhà máy trong hệ thống điện của A0 thấp hơn so với các năm.
Bên cạnh đó là giá khí cao làm chi phí biến đổi sản xuất điện cao khiến cho việc chào giá cạnh tranh trong thị trường điện khó khăn hơn. Sản lượng điện đạt 1.896 triệu kWh, thực hiện 95% so với kế hoạch 6 tháng.
Tại nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, giá khí bổ sung từ Petronas cao làm chi phí biến đổi sản xuất điện cao, giá thành sản xuất điện cao trong khi các nguồn năng lượng tái tạo gia tăng và được A0 ưu tiên huy động.
Vì vậy trong quý I, EVN/A0 thường xuyên huy động hai tổ máy ở mức công suất rất thấp (Tết Nguyên đán chỉ huy động một tổ máy). Từ đầu quý II đến nay, mặc dù trong giai đoạn cao điểm mùa khô nhưng EVN cũng chỉ huy động ba tổ máy ở mức công suất rất thấp và hai tổ máy vào ngày cuối tuần.
Về việc thoái vốn, từ ngày 17 - 19/3, PV Power đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn góp tại CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí. Công ty cũng đang thực hiện thủ tục thoái vốn tại CTCP Điện Việt Lào và CTCP EVN Quốc tế.
Trong 6 tháng cuối năm, PV Power sẽ thực hiện việc đại tu nhà máy điện Vũng Áng 1 và Cà Mau và đầu tư dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.