PV Power rộng cửa vào VN30
Ngày 16/11, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 2,34 tỉ cổ phiếu của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (Mã: POW) hiện đang giao dịch trên thị trường UPCoM.
Việc chuyển từ UPCoM sang HOSE sẽ giúp công ty dễ dàng tiếp cận các dòng vốn trong và ngoài ngước, cũng như khiến cổ phiếu POW trở nên hấp dẫn hơn.
Tiêu chí để một cổ phiếu được chọn vào rổ VN30:
- Giá trị vốn hóa:
Tập hợp các cổ phiếu đủ điều kiện tham gia tính toán chỉ số VN30 được sắp xếp theo thứ tự giảm dần theo giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân trong 6 tháng chưa điều chỉnh free-float và chọn ra top 50.
Giá trị vốn hóa cổ phiếu tính tại ngày 20/11/2018. Nguồn: Minh Trí Việt tổng hợp |
Với quy mô vốn hóa tính đến ngày 16/11/2018 đạt 33.255 tỷ đồng, công ty có thể nằm trong top 20 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa cao nhất sàn HOSE.
- Tỷ lệ free-float
Các cổ phiếu trong top 50 nếu có tỷ lệ free-float nhỏ hơn 5% sẽ bị loại.
Tỷ lệ free-float của POW hiện là 39%, cao hơn nhiều so với mức quy định. Khi làm tròn theo bội số của 5% theo quy tắc của chỉ số VN30, tỷ lệ free-float của POW sẽ được quy ước là 40%
Cơ cấu cổ đông POW. Nguồn: BCTC Doanh Nghiệp. |
- Thanh khoản
Tập hợp các cổ phiếu được sàng lọc sau hai bước trên sẽ được sắp xếp theo thứ tự giảm dần về giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trong 6 tháng.
Giá trị giao dịch các bình quân các mã cổ phiếu lớn. Nguồn: Minh Trí Việt tổng hợp |
So với các cổ phiếu trong rổ cổ phiếu VN30, giá trị trung bình trong sáu tháng của POW cao thứ 24 với giá trị giao dịch đạt 22,1 tỷ đồng.
Như vậy, trong trường hợp diễn biến thị trường không có biến động đáng kể và cổ phiếu POW tăng trưởng tương đương với thị trường chung thì sau khi POW chuyển sang sàn HOSE và đủ điều kiện thanh khoản, free float, thời gian niêm yết (niêm yết và giao dịch trên 6 tháng), cơ hội cho cổ phiếu POW gia nhập VN30 là tương đối cao.
Việc gia nhập VN30 là cơ hội tốt cho công ty để thu hút nguồn vốn nước ngoài. Ngoài ra, việc nằm trong nhóm cổ phiếu thuộc VN30 giúp khẳng định uy tín doanh nghiệp và mở rộng khả năng tiếp cận với các nhà đầu tư.
Tình hình hoạt động của POW
Trong quý III/2018, công ty ghi nhận doanh thu đạt 6.961 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 đạt 17.828 tỷ đồng. Trong đó doanh thu bán điện đạt 6.709 tỷ đồng, chiếm 96% tổng doanh thu, còn lại là doanh thu bán hàng hóa và hợp đồng xây lắp.
Doanh thu tài chính trong quý đạt 132,8 tỷ đồng, trong đó bao gồm gần 70 tỷ đồng thu lãi tiền gửi và hơn 56 tỷ đồng tiền lãi chênh lệch tỷ giá, gần 7 tỷ đồng cổ tức. Chi phí tài chính trong kỳ cao bất ngờ 795,5 tỷ đồng, trong đó có 340 tỷ đồng chi trả lãi vay, hơn 395 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá và gần 20 tỷ đồng trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn.
PV Power sẽ là chủ đầu tư cho 2 nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4. Dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, với kế hoạch xây dựng vào đầu năm 2020 trong thời gian 2,5 năm. Nhơn Trạch 3 dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động năm 2022, và Nhơn Trạch 4 sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023, với tổng công suất của cả hai dự án lên tới 1.500 MW. Theo ban lãnh đạo, Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 sẽ sử dụng cơ chế giá điện đặc biệt của EVN, do sử dụng LNG nhập khẩu.
Tổng vốn đầu tư của hai dự án Nhơn Trạch dự kiến xấp xỉ 1,2 – 1,5 tỷ USD. Vốn đầu tư sẽ huy động 30% từ vốn chủ sở hữu và 70% từ nợ bằng đồng VND (cho xây dựng) và USD (đối với thiết bị). Công ty đang làm việc với một số đối tác trong và ngoài nước để sắp xếp nguồn vốn phục vụ cho 2 dự án này. Trong tháng 8, công ty đã làm việc đối tác Marubeni (Nhật Bản), ING (Hà Lan), Ansaldo Energia (Italia), Standard Chartered (Anh), và trong tháng 9, PVPower tiếp xúc với các đối tác như Citibank, DBS (Singapore), HSBC.