|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVD nói gì khi bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận năm 2022?

09:57 | 21/04/2022
Chia sẻ
Lãnh đạo PVD nhận định năm 2022 sẽ khó khăn khi đơn giá cho thuê giàn tự nâng vẫn còn thấp, số lượng giếng khoan trong nước còn hạn hẹp và chương trình khoan trong khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

 Trụ sở chính của PVD tại Tòa nhà Sailing Tower, quận 1, TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

Năm 2022, Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) đặt kế hoạch 4.700 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng gần 9% so với năm 2021.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 21/4, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Cường cho biết doanh nghiệp phấn đấu không bị lỗ và nộp ngân sách nhà nước khoảng 400 tỷ đồng. Năm ngoái, PVD ghi nhận lợi nhuận giảm sút hơn 80% về 36,46 tỷ đồng.

Ông Cường nhận định, thị trường sắp tới vẫn còn nhiều rủi ro, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng của COVID-19 và nguy cơ khủng hoảng năng lượng vì xung đột giữa Nga - Ukraine.

Vị lãnh đạo khẳng định "hiện PVD không hưởng lợi trực tiếp từ việc giá dầu tăng". Bên cạnh đó, dự báo năm 2022 này, đơn giá cho thuê giàn tự nâng vẫn còn thấp. Dự kiến số lượng giếng khoan trong nước không nhiều và chương trình khoan trong khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nhìn chung, nhu cầu giàn khoan ở mức thấp do chưa có nhiều dự án có thể triển khai trong năm 2022. Về giá, "giá giàn cho thuê có xu hướng tăng nhẹ, nhưng so với năm ngoái không có gì thay đổi nhiều", tổng giám đốc PVD nói. Chưa kể PVD còn phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu giàn khoan ở mức cao.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng Giám đốc của PV Drilling. (Ảnh: PVD).

Trình bày tại đại hội, lãnh đạo PVD công bố kế hoạch hoạt động của các giàn khoan trong năm 2022 như sau:

Đối với giàn PV Drilling I, giàn vẫn đã và đang khoan cho Vietsopetro. Vừa rồi công ty đã gia hạn hợp đồng đến hết tháng 1/2023 và giá hợp đồng cũng được điều chỉnh.

Giàn PV Drilling II: Đầu tháng 3 PVD đã thực hiện cho Vietsopetro theo hợp đồng ngắn hạn.

Ông Cường cũng hé lộ là công ty đã ký với khách hàng ở Indonesia với giá tiệm cận với giá khu vực, thực hiện trong 100 ngày, sau đó quay về Việt Nam. Dự kiến khối lượng công việc khi quay về nước sẽ có việc đến hết năm.

Với giàn PV Drilling III, đang khoan cho bên Malaysia đến cuối năm, và có thể kéo dài hợp đồng sang năm 2023.

Tại giàn PV Drilling VI, hiện đang khoan cho khách hàng. Giàn VI cũng đang tham gia đấu thầu, công ty tự tin sẽ có việc trong quý IV tới.

Đối với giàn TAD, công ty đã có hợp đồng khoảng 10 năm tại Brunei. Giàn đang đi vào hoạt động tốt và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

Trong năm nay, PVD vẫn tiếp tục thuê giàn Hakuryu cho khách hàng Idenmitsu.

Với kế hoạch hoạt động trên, công ty sẽ cố gắng tìm kiếm thêm các hợp đồng trong khu vực để bù đắp thiếu hụt trong nước, nhằm duy trì hoạt động của các giàn khoan, đại diện PVD nói.

Nhìn về triển vọng tương lại, ông Cường cho biết năm nay chưa nhưng thời gian tới, một số dự án dầu khí sẽ chắc chắn đi vào triển khai như Kình Ngư Trắng, Lạc Đà Vàng, Đại Hồng Nam, đâu đó cuối năm 2023. Lúc đó một số giàn của PVD sẽ huy động quay về Việt Nam.

Minh Hằng

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.