PV Drilling hoạt động ra sao dưới thời tân Phó Tổng Giám đốc PVN Phạm Tiến Dũng?
Ngày 18/3, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) quyết định điều động và bổ nhiệm có thời hạn ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Như vậy, Ban Tổng Giám đốc của PVN hiện có 6 thành viên. Trong đó, ông Lê Mạnh Hùng làm Tổng Giám đốc, cũng đồng thời là thành viên HĐTV của tập đoàn. Các Phó Tổng Giám đốc gồm có ông Nguyễn Quốc Thập, ông Đỗ Chí Thanh, ông Lê Xuân Huyên, ông Nguyễn Văn Mậu và ông Phạm Tiến Dũng.
Thông tin về tân Phó Giám đốc PVN, ông Phạm Tiến Dũng sinh năm 1967 tại Hà Nội; là Kỹ sư cơ khí, Cử nhân Anh văn. Ông đã từng kinh qua nhiều chức vụ tại Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) và Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - Mã: PVS).
Quá trình công tác của Tân Phó Giám đốc PVN Phạm Tiến Dũng:
- Tháng 4/2019 đến nay: Chủ tịch HĐQT PV Drilling
- Tháng 8/2010 - 4/2019 : Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc PV Drilling
- Tháng 2/2006 - 8/2010 : Phó Tổng Giám đốc PV Drilling
- Tháng 5/2005 - 2/2006 : Phó Giám đốc PV Drilling
- Tháng 1/2003 - 5/2005 : Được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Khoan Dầu khí trực thuộc PV Drilling
- Tháng 3/2002 - 12/2002 : Được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Khoan Dầu khí trực thuộc PV Drilling
- Tháng 5/1997 - 12/ 2001 : Kỹ sư phụ trách cơ khí của Xí nghiệp DVKTDK Biển PTSC Offshore. Xưởng trưởng Xưởng kiểm định và sửa chữa thiết bị dầu khí. Chủ tịch Công đoàn cơ sơ thành viên của Xí nghiệp. Phụ trách sản xuất của Xí nghiệp phục vụ cho chiến dịch khoan miền võng sông Hồng
- Tháng 9/1993 - 5/1997 : Kỹ sư cơ khí, được PTSC cử đi làm dịch vụ kỹ thuật thử vỉa dầu khí cho Công ty nước ngoài EXPRO
- Tháng 7/1992 - 8/1993 : Kỹ sư cơ khí, đốc công cảng PTSC.
- Tháng 2/1989 - 6/1992 : Làm việc tại Nhà máy Cơ khí 2_9 tỉnh Thái Bình.
Hiện tại, ngoài chức vụ mới được giao, ông Dũng còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT PV Drilling; Chủ tịch HĐTV của Công ty Liên doanh PV Drilling Overseas và Công ty TNHH Liên doanh Kỹ thuật giếng khoan PV Drilling và Baker Hughes (PV Drilling - Baker Hughes).
Ông Dũng hiện đang sở hữu 153.868 cổ phiếu PVD, tương đương 0,04% vốn điều lệ của PV Drilling.
PV Drilling kinh doanh ra sao dưới thời Chủ tịch Phạm Tiến Dũng?
PV Drilling là đơn vị thành viên của PVN được thành lập vào tháng 11/2001, PVN sở hữu 50,46% vốn cổ phần. Công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giàn khoan, dịch vụ kĩ thuật về khoan và giếng khoan, dịch vụ cung ứng nhân lực trong lĩnh vực khoan và giếng khoan dầu khí (ngoài khơi lẫn trên đất liền).
Cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành dầu khí, hoạt động kinh doanh của PV Drilling chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi diễn biến giá dầu. Trong thời gian ông Phạm Tiến Dũng tham gia ban điều hành, giá dầu thế giới chứng kiến nhiều biến động, đặc biệt xu hướng giảm mạnh trong những năm gần đây đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp này.
Năm 2010, ông Phạm Tiến Dũng được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc PV Drilling. Cũng từ năm này, công ty liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc với xu hướng tích cực của giá dầu thế giới, duy trì trên mốc 80 USD/thùng.
Doanh thu tăng trưởng trung bình trên 30% mỗi năm, từ mức 7.553 tỉ đồng năm 2010 lên mức cao nhất 20.884 tỉ đồng trong năm 2014. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cũng tăng tương ứng từ 885 tỉ đồng lên 2.540 tỉ đồng, tương đương mức tăng gần 3 lần sau 4 năm.
Với nguồn lực dồi dào từ hoạt động kinh doanh, PV Drilling chia cổ tức bằng tiền mặt đều đặn với tỉ lệ trung bình từ 15% đến 20% mỗi năm, đồng thời phát hành hàng triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, công nhân viên.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2014, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành dầu khí, cuộc khủng hoáng giá dầu thế giới đã PV Drilling vào giai đoạn khó khăn.
Liên tiếp 3 năm sau đó, kết quả kinh doanh của công ty tiếp tục lao dốc. Đến năm 2017, lãi sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 36 tỉ đồng, chỉ tương đương 1,4% nếu so sánh với kết quả năm 2014.
Mặc dù ghi nhận sự hồi phục trong 2 hai năm trở lại đây, với lãi sau thuế năm 2018 và 2019 đạt lần lượt 173 tỉ đồng và 177 tỉ đồng, tuy nhiên tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ việc thay đổi thời gian khấu hao của các giàn khoan.
Đến hết năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 20.877 tỉ đồng. PV Drilling hiện có khoản nợ vay hơn 3.751 tỉ đồng.
Giá dầu thô kéo dài đà giảm là nan đề cho bất cứ nhà điều hành nào, không riêng gì PV Drillling. Tại ngày 19/3, giá dầu thô đã rơi xuống chỉ còn hơn 22 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2001. Trong khi, theo ước tính của giới chuyên môn, điểm hòa vốn của các công ty dầu khí là khi giá dầu ở mức trên 50 USD/thùng.
Hiện, PV Drilling chưa công bố mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá dầu lao dốc đến hoạt động kinh doanh, tuy nhiên nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã có phản ứng sớm với sự kiện này.
Cổ phiếu PVD bắt đầu chứng kiến xu hướng giảm giá từ quí IV/2019 khi kết quả kinh doanh của PV Drilling có dấu hiệu suy giảm trở lại. Đặc biệt, kể từ sau Tết Nguyên đán, cổ phiếu này liên tục lao dốc sau khi dịch COVID-19 bùng phát, cùng với đà rơi thẳng đứng của giá dầu.
Kết phiên 19/3, cổ phiếu này đóng cửa tại 8.200 đồng/cp, giảm một nửa so với cuối năm 2019, đồng thời rơi xuống vùng giá thấp nhất trong lịch sử của mã này.
Về phía PVN, ngay sau quyết định bổ nhiệm, Chủ tịch HĐTV Trần Sỹ Thanh yêu cầu tân Phó Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng cần bắt tay ngay vào triển khai công việc, cùng với tập thể Ban lãnh đạo Tập đoàn giải quyết, xử lí các vấn đề khúc mắc, tham mưu đề xuất lên HĐTV các giải pháp vượt khó trong thời điểm hiện tại.
PVN đã chuẩn bị phương án cho cú sốc ngắn hạn và cho tình huống giá dầu thấp kéo dài ở các mức giá 30; 35; 40; 45; 50 USD/thùng, kể cả các kịch bản cho phương án xấu nhất... để điều hành hoạt động ổn định sản xuất kinh doanh.