|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Profile] Tập đoàn Mỹ sắp mở trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam: Vốn hoá trên 45 tỷ USD, là đối tác của Samsung, AWS

09:55 | 21/09/2023
Chia sẻ
Marvell Technology là công ty công nghệ lâu đời của Mỹ, hiện có chi nhánh tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.

Tập đoàn công nghệ Marvell Technology (Mỹ) công bố kế hoạch mở trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam. Tháng 5 trước đó, Marvell cũng công bố việc thành lập trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP HCM. Trung tâm được thành lập trên cơ sở nâng cấp công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam tại khu Chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP HCM).

Marvell Technology được thành lập vào năm 1995 bởi Tiến sĩ Sehat Sutardja, một doanh nhân người Mỹ gốc Indonesia, cùng vợ và anh trai. Công ty chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 6/2000, thu về khoảng 90 triệu USD.

Ông Seha Sutardja (phải) là nhà sáng lập Marvell Technology. (Ảnh: WSJ).

Ban đầu, Marvell Technology chủ yếu tập trung vào thiết kế kênh đọc dựa trên nền CMOS cho các ổ đĩa. Trong đó Seagate - một trong những công ty sản xuất ổ cứng hàng đầu thế giới, là khách hàng đầu tiên của Marvell. Đến nay, danh mục sản phẩm của Marvell trải dài trên nhiều phân khúc, tập trung vào 4 lĩnh vực chính gồm kết nối mạng, lưu trữ, điện toán và bảo mật.

Mô hình kinh doanh của Marvell là thiết kế chip và sau đó thuê các nhà sản xuất gia công chip. Việc sản xuất chip sẽ do các bên thứ ba đảm nhiệm như TSMC, Samsung, UMC.

Theo báo cáo tài chính mới nhất được Marvell Technology công bố cho quý II năm tài chính 2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1,341 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty kỳ vọng doanh thu trong quý III sẽ có được tăng trưởng, chủ yếu nhờ cơ sở hạ tầng đám mây và AI.

"Nhu cầu từ các ứng dụng AI tăng lên có thể thúc đẩy triển vọng tăng trưởng tổng doanh thu của chúng tôi trong cả năm tài chính 2024, thậm chí vượt trên kỳ vọng”, Giám đốc điều hành Matt Murphy nói.

Trước đó, trong năm tài chính 2023, công ty đạt doanh thu 5,92 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng trung tâm dữ liệu điện toán đám mây và cơ sở hạ tầng liên quan, bao gồm Amazon Web Services (AWS) của Amazon - khách hàng hàng đầu của Marvell, ghi nhận doanh thu tăng 50%. Doanh thu từ cơ sở hạ tầng mạng 5G trên 600 triệu USD.

Những năm gần đây, doanh thu của Marvell Technology chủ yếu đến từ các mảng như trung tâm dữ liệu, mạng doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng.

Tính tới sáng 21/9, theo giờ Việt Nam, giá cổ phiếu của Marvell Technology giao dịch ở mức 54,09 USD/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá thị trường công ty đạt hơn 45 tỷ USD.

Kết quả kinh doanh của Marvell Technology giai đoạn năm tài chính 2023 - 2024. (Nguồn: Marvell Technology - Anh Nguyễn tổng hợp).

Theo dữ liệu từ Yahoo Finance, Marvell Technology đang có 7.418 nhân viên trên toàn cầu. Công ty có chi nhánh tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam và Singapore là hai quốc gia tại Đông Nam Á mà Marvell đã thiết lập chi nhánh/nhà máy hoạt động.

Tại Việt Nam, Marvell Technology bắt đầu hoạt động kể từ năm 2013. Theo Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam được thành lập từ ngày 2/10/2013 với người đại diện theo pháp luật là ông Lê Quang Đạm.

Công ty có địa chỉ trụ sở chính nằm trên đường Tân Thuận, khu chế xuất Tân Thuận, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP HCM. Công ty hoạt động trong lĩnh vực chính là nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Marvell Việt Nam hiện có khoảng 300 nhân viên, trong đó 97% là các kỹ sư.

Sau khi thành lập trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP HCM vào tháng 5, Marvell Việt Nam đã trở thành một trong 4 trung tâm nghiên cứu phát triển có quy mô lớn nhất thế giới của tập đoàn Marvell (cùng với các trung tâm tại Mỹ, Ấn Độ và Israel).

Giải thích lý do thành lập trung tâm, ông Lợi Nguyễn - Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách Bộ phận Kết nối quang và đồng của Marvell toàn cầu, cho biết một trong những thách thức của ngành vi mạch bán dẫn là sự thiếu hụt về năng lực nghiên cứu và kỹ thuật.

Do đó, việc thành lập trung tâm Thiết kế vi mạch tại Việt Nam là một bước quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách nhân tài và thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Anh Nguyễn