PPG: Giọt nước mắt của Chủ tịch HĐQT
Chủ tịch HĐQT Lương Trọng Tuấn xúc động tại Đại hội
Nhà máy phủ bụi, áp lực nặng nề từ chi phí
Nhiều năm liền Công ty không ghi nhận lợi nhuận, doanh thu giảm sút nghiêm trọng so với giai đoạn 2008 – 2010.
Theo giải trình từ phía PPG, sở dĩ tình hình hoạt động của công ty trở nên “tê liệt” là do sự chuyển biến của thị trường bất động sản từ cao cấp chuyển sang phục vụ thị trường nhà ở xã hội, vật liệu xây dựng được sử dụng với chất lượng thấp, giá cả bình dân đã tách biệt hoàn toàn với công nghệ Châu Âu do Phú Phong đầu tư. Cùng với đó, người tiêu dùng ngày càng chuộng sản phẩm Trung Quốc với thuế suất chỉ từ 5%, đến năm 2015 đã lui về 0%. Dẫn đến nhà máy Công ty thời gian dài không được sử dụng hết công suất, hàng không tiêu thụ được khiến lãi gộp liên tục sụt giảm.
Kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc, PPG đã tăng nguồn vốn vay thường xuyên, kết quả là chi phí lãi vay cao buộc ĐHĐCĐ năm 2015 Công ty phải quyết định tái cơ cấu vốn công ty con là Công ty TNHH MTV Kính Phú Phong (đã phá sản vào giữa năm 2015).
Tính riêng 8 tháng đầu năm nay, mặc dù cố gắng đạt hơn 105 tỷ đồng doanh thu, tuy nhiên chi phí tài chính “ngốn” đến 28 tỷ đồng khiến lợi nhuận thu về âm gần 40 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh từ năm 2013 đến 8 tháng đầu năm 2016
Đvt: tỷ đồng
Như vậy, sau những nổ lực tìm kiếm đối tác nhằm cơ cấu lại, thậm chí ĐHĐCĐ năm 2016 vừa qua đã đề xuất ý kiến cho thuê nhà xưởng - dời hoạt động kinh doanh ra khỏi khu công nghiệp nhưng vẫn không thực hiện được bởi những cái “lắc đầu” từ phía ngân hàng. Chi phí chồng chất chi phí, lại thêm khoản trích lập 64 tỷ đồng tổn thất sau thương vụ phá sản tại Kính Phú Phong, Ban lãnh đạo thật sự bất lực sau nhiều cố gắng.
Cái kết đắng
Dẫn đến cái kết ngày hôm nay, ông Lương Trọng Tuấn – Chủ tịch HĐQT – nghẹn ngào nói lời chia tay với cổ đông. Ông Tuấn chia sẻ trước đó đã đề ra 2 phương án nhằm bảo tồn thương hiệu Phú Phong, thứ nhất là dự định phát hành riêng lẻ tuy nhiên không thành do đàm phán thất bại với hai đối tác chính của Công ty, và thứ hai là đề xuất chuyển nhượng công ty cho Công ty Phương Nam nhưng cũng không có kết quả.
Một ý kiến khác từ cổ đông lớn đồng thời cũng là thành viên sáng lập của PPG, ông cho rằng thị trường bất động sản không ảm đạm, mà chính công ty ảm đạm, không bắt kịp thị trường nên đến bây giờ, giải thể là con đường đúng đắn nhất, vì càng vùng vẫy sẽ càng lún sâu, ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông. PPG đã mắc sai lầm, sai lầm nối tiếp sai lầm từ sau giai đoạn hoàng kim vào những năm 2003 – 2005, cho nên thời điểm hiện tại chỉ có thể khuyến khích Ban lãnh đạo sau khi giải thể, vẫn duy trì thương hiệu Phú Phong dưới một hình thức kinh doanh khác.
CTCP Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Phú Phong có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phú Phong được thành lập ngày 14/12/1992, chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công xuất khẩu kính, gương, … và kinh doanh bất động sản. Công ty chính thức được chuyển đổi sang hình thức CTCP theo quyết định số: 1523/GP-UB ngày 03/07/1997 của UBND TP.HCM cấp với vốn điều lệ lúc bấy giờ là 7 tỷ đồng. Được biết, ngày 21/05/2015, PPG bị hủy niêm yết cp trên HNX với giá cuối phiên ngày 20/05/2015 là 2.000 đồng, sau đó đã được chấp thuận đăng ký giao dịch trở lại vào ngày 01/06/2015. Đến ngày 22/06/2015, Công ty chính thức chào sàn UPCoM với giá đóng cửa cuối phiên là 2.500 đồng/cp. |
Được biết, đến thời điểm hiện tại vốn điều lệ của công ty đạt hơn 73 tỷ đồng, PPG dự kiến sẽ thanh toán nợ bắt đầu từ giữa tháng 2/2017 qua ngân hàng, sau khi hoàn tất trách nhiệm với người lao động và với cơ quan thuế. Về phía cổ đông, sau khi thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thế, giá trị sổ sách tại thời điểm 31/08/2016 là 3.540 đồng/cp, đồng nghĩa cổ đông đang mất hoàn toàn vốn đầu tư. Như vậy, sau giải thể, chi phí chi trả dự kiến thấp nhất của mỗi cp là 2.400 đồng/cp, cao hơn so với giá trị giao dịch trên thị trường UPCoM hiện nay (1.500 đồng/cp ngày 28/10).
Về thanh lý tài sản sẽ thông qua phương thức chào bán công khai với số tiền thu về kỳ vọng khoảng 100 tỷ đồng. Theo đó, cổ đông cũng đã thông qua dự thảo về phương án giải thể gồm 3 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 29/10 như sau:
- Giai đoạn 1 (14 ngày): Công bố thông tin giải thể
- Giai đoạn 2 (106 ngày): Hoàn tất thanh lý hợp đồng, tài sản, nợ, …
- Giai đoạn 3: Sở KHĐT thu hồi giấy phép
Ngoài ra, tại Đại hội, cổ đông còn thông qua việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thu Lộc vào vị trí Phó Chủ tịch HĐQT thay cho ông Quan Lương. Đồng thời, PPG cũng thành lập ban thanh lý giải thể gồm 5 thành viên:
- Ông Diệp Bảo Cánh – Thành viên HĐQT
- Ông Trần Vĩ Quyền – Giám đốc
- Ông Trần Cao Sơn – Kế toán trưởng
- Bà Trần Thị Hải Yến – Cổ đông ngoài
- Bà Nguyễn Thị Bình – Cổ đông ngoài